TP Hồ Chí Minh: Dịch Covid-19 giảm mạnh nhưng không được lơ là

Trúc Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là khuyến cáo của ông Nguyễn Hồng Tâm -  Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) nhắn gửi người dân không chủ quan trong và sau dịp nghỉ Lễ 30/4 và 1/5.

Chiều 28/4, tại buổi họp về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh, trước sự lo ngại của người dân về dịch Covid-19, có thể tái bùng phát sau đợt nghỉ lễ kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30/4/1075 - 30/4/2022) và Ngày Quốc tế Lao động 1/5. Ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó Giám đốc phụ trách HCDC, cho biết: Hiện số ca mắc Covid-19 tại TP chỉ dưới 100 ca/ngày, số ca bệnh nặng giảm mạnh, không còn ca tử vong và tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 rất cao.

Ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó Giám đốc phụ trách HCDC khuyến cáo người dân không lơ là hoặc chủ quan dù dịch Covid-19 đã giảm.
Ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó Giám đốc phụ trách HCDC khuyến cáo người dân không lơ là hoặc chủ quan dù dịch Covid-19 đã giảm.

“Tuy nhiên không vì thế mà bà con lơ là, mất cảnh giác trong những ngày nghỉ Lễ và sau kỳ nghỉ dài ngày. Bà con vẫn nên thực hiện nghiêm túc quy tắc 5K (đeo khẩu trang, sát trùng, khử khuẩn…) để kiểm soát dịch Covid-19. Khi có các triệu chứng mắc Covid-19, nên thực hiện xét nghiệm. Trường hợp dương tính, cần báo ngay cho y tế địa phương để xử lý theo quy định. Hiện nay đã có một số quy định được loại bỏ. Bộ Y tế cũng đã bỏ quy trình khai báo đối với người nhập cảnh vào Việt Nam, sau đó UBND TP cũng đã triển khai quy định này tại các cửa khẩu. Do đó, người từ nước ngoài về không phải khai báo mà chỉ cần kết quả xét nghiệm âm tính. Như vậy, ngoài một số thay đổi vừa kể trên, các kế hoạch phòng chống dịch Covid-19, vẫn được áp dụng theo bình thường mới” - ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết.

Cũng tại buổi họp, bà Lê Thiện Quỳnh Như - Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế thông tin về tình hình bệnh sốt xuất huyết tại TP Hồ Chí Minh. Bà Như cho biết từ đầu năm 2022 đến nay, TP ghi nhận gần 4.500 ca mắc số xuất huyết, trong đó có 109 ca nặng đang điều trị tại các bệnh viện. Năm 2019, sốt xuất huyết bùng phát thành dịch với hơn 20.000 ca nhưng số ca bệnh nặng chỉ là 38 ca. Bên cạnh đó, số ca mắc của năm 2022 đang gia tăng và cao hơn so với cùng kỳ năm 2020, 2021.

Theo bà Như, dự báo tình hình sốt xuất huyết ở TP Hồ Chí Minh sẽ diễn biến phức tạp, để sẵn sàng ứng phó, ngành y tế TP đã chỉ đạo Bệnh viện Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng TP và HCDC triển khai tập huấn nhắc lại cho cán bộ, nhân viên các cơ sở y tế công, tư trên địa bàn. Tất cả nhân viên y tế cần được cảnh báo để nhận diện sớm bệnh sốt xuất huyết, tránh bỏ sót gây chậm trễ trong quá trình điều trị.

"Sở Y tế cũng đã yêu cầu UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức triển khai ngay các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết. Cần tăng cường truyền thông đến từng nhà dân, để người dân hiểu tình hình bệnh từ đó chủ động được các biện pháp phòng ngừa cũng như nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh để kịp thời đưa người bệnh vào các cơ sở y tế. Ngoài ra, cần có biện pháp xử phạt các cá nhân, tổ chức không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định” - bà Lê Thiện Quỳnh Như cho biết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần