TP Hồ Chí Minh: Dự án cầu Cây Khô sẽ xong nhưng khi nào khai thác?

Cao Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cầu bắc qua kênh cây khô (cầu Cây Khô) thuộc huyện Nhà Bè sẽ hoàn thành vào năm 2023 sau nhiều năm ì ạch triển khai thi công. Thế nhưng dù có xong thì cây cầu này chưa biết khi nào khai thác được.

Những cây cầu có vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng xây xong chưa khai thác được không chỉ đè nặng lên áp lực giao thông mà lãng phí nguồn lực vô cùng lớn.

Cầu Cây Khô xây dựng dở dang. Ảnh: Cao Văn
Cầu Cây Khô xây dựng dở dang. Ảnh: Cao Văn

Cầu sẽ hoàn thành sau 7 năm thi công

Cầu Cây Khô trên địa bàn xã Phước Lộc thuộc huyện Nhà Bè, nối đường Phạm Hùng huyện Bình Chánh với đường Nguyễn Bình huyện Nhà Bè. Dự án cầu Cây Khô do Ban quản lý đầu tư xây dựng khu vực Nhà Bè quản lý, vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, cầu có thiết kế khẩu độ dài 485m và rộng 12,5m trong khi đường quy hoạch 40m.

Xây dựng cầu Cây Khô không chỉ tạo kết nối giao thông đô thị giữa các quận trung tâm như quận 5, 6, 8 với khu đô thị Nam Sài Gòn, mà quan trọng hơn là tạo thêm đường giao thông huyết mạch từ đại lộ Nguyễn Văn Linh đi Khu công nghiệp Hiệp Phước và cảng Hiệp Phước để cùng chia lửa với đường Nguyễn Hữu Thọ. Cuối năm 2016 cây cầu được triển khai thi công nhưng do vướng đền bù giải phóng mặt bằng nên ì ạch kéo dài đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Theo Trưởng ban Bồi thường GPMB huyện Nhà Bè Trần Phương Tuấn, hiện nay cơ bản huyện đã hoàn thành công tác GPMB, chỉ còn 4 hộ dân bị ảnh hưởng chưa bồi thường xong nhưng không ảnh hưởng đến mặt bằng thi công phần xây lắp còn lại (2 trụ móng đầu cầu và 2 sàn giảm tải, trụ T1 và trụ T3). Thị sát tại hiện trường của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị cho thấy nhà thầu đã tiếp tục thi công trở lại, công trường làm việc cả ngày Chủ nhật trong 3 tuần qua.

Đại diện nhà thầu Nguyễn Hưng cho biết, mặc dù nhận thầu theo hợp đồng không điều chỉnh giá, trong điều kiện giá vật liệu tăng rất nhiều, chắc chắn DN không đồng nào lợi nhuận, nhưng để giữ uy tín với chủ đầu tư vẫn quyết tâm làm. Cũng theo ông Hưng, nếu không có sự cố bất ngờ nhà thầu sẽ hoàn thành phần xây lắp trong quý I/2023, thông xe kỹ thuật quý II/2023 để bàn giao cho chủ đầu tư. Nhưng vấn đề cần nói, khi cây cầu hoàn thành phần xây lắp nhưng gián đoạn đường kết nối vào cầu sẽ giải quyết ra sao?

Giao doanh nghiệp liệu có hiệu quả?

Để cầu Cây Khô kết nối với đường Phạm Hùng hiện hữu cần phải xây dựng nối dài con đường này khoảng 1km đến chân cầu Cây Khô, tức có thêm dự án mở đường đi theo. Tuy nhiên đoạn đường kết nối hiện chưa có quyết định dự án đầu tư. Ai quản lý và đầu tư ra sao chưa có thông tin.

Qua tìm hiểu và ghi nhận tại hiện trường của phóng viên, dự án đường Phạm Hùng đoạn từ đại lộ Nguyễn Văn Linh đến cầu Cây Khô dài khoảng 4 km, sau khi đến cầu Cây Khô sẽ chuyển hướng tuyến và nối vào đường quốc lộ 50B qua tỉnh Long An và Tiền Giang. Đoạn đường này chưa triển khai xây dựng có nghĩa cây cầu Cây Khô không thể khai thác được. Đơn vị chức năng huyện Nhà Bè không biết dự án nối 1km đường Phạm Hùng này ai sẽ quản lý. Trưởng ban Quản lý hạ tầng đô thị TP cũng cho biết không quản lý dự án đó.

Tuy nhiên một người dân địa phương tại đây lại cho rằng trước đây TP giao cho Công ty CP Đầu tư xây dựng Thanh niên xây dựng do đoạn đường Phạm Hùng còn lại sẽ kết nối với dự án bất động sản Thanh niên. Mặc dù còn một số thông tin cần kiểm chứng, nhưng nếu được giao tại sao Công ty CP Đầu tư xây dựng Thanh niên chưa triển khai xây dựng nốt đoạn đường này?

Được biết dự án bất động sản Thanh niên có quy mô 35ha, thuộc Ấp 3 xã Phước Lộc, nằm trên trục đường Phạm Hùng do Công ty CP Đầu tư xây dựng Thanh niên làm chủ dầu tư, được TP Hồ Chí Minh quyết định từ năm 2001.

Thực tế chủ đầu tư đã xây dựng phần lớn hạ tầng đường, cống thoát nước, điện âm để phân hàng nghìn lô đất nền bán cho khách hàng từ năm 2006 - 2008, nhưng đến nay sau 21 năm dự án vẫn chưa đủ cơ sở pháp lý, toàn cảnh dự án chỉ có căn nhà cấp 4 làm địa điểm ban quản lý dự án và không hiểu sao có 3 căn nhà đang được xây dựng, còn lại cỏ và cây dại mọc um tùm. Do dự án dạng “xí phần” găm giữ đất nên hiện tại giá đất nền tại dự án đang được môi giới rao bán chỉ từ 22 – 25 triệu đồng/m2, bằng 35% giá đất đủ pháp lý.

Lãng phí ai phải chịu trách nhiệm?

Thứ nhất, chưa kết nối với cầu Cây Khô thì 3km đường Phạm Hùng hiện hữu chỉ là đường nội bộ, không tạo ra lợi ích kinh tế. Trong khi hiện tại nếu xây dựng 3km đường rộng 40m, 6 làn xe (có một cây cầu dài 222m nằm đoạn giữa) sẽ bỏ chi phí xây dựng không dưới 450 tỷ đồng.

Chi phí cầu Cây Khô như dự kiến là 500 tỷ đồng nhưng thực tế chắc chắn trên 550 tỷ đồng. Như vậy tổng chi phí cho cầu và đường hiện hữu là trên 1.000 tỷ đồng bị nằm chết, mỗi năm thiệt hại cả trăm tỷ đồng (lãi suất vay 10%/năm chẳng hạn) và không biết bao nhiêu năm như vậy.

Thứ hai, lãng phí về lợi ích kinh tế mà cây cầu có thể mang lại. Nếu cầu kết nối, tạo ra huyết mạch giao thông mới như nói ở trên, tiết kiệm được rất nhiều chi phí vận tải và giảm chi phí cơ hội của tình trạng ùn tắc giao thông.

Thứ ba, cầu xây xong không đưa vào khai thác vẫn chịu giảm tuổi thọ như cầu sử dụng. Chi phí này tạm gọi là chi phí khấu hao tài sản cố định mà nhà nước bị mất hàng năm.

Thứ tư, cầu xây xong không sử dụng được tạo ra bức tranh phản cảm, làm mất niềm tin giữa người dân - những người nộp thuế, với cơ quan quản lý và chính quyền.

Vậy trong câu chuyện sẽ gây lãng phí nguồn lực nói trên ai chịu trách nhiệm? Câu hỏi này chỉ có thể giải thích chính xác bởi cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh.