Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Gần 20 ngày nữa sẽ “khai tử” xe gom rác tự chế

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những chiếc xe thu gom rác tự chế thiếu an toàn, bốc mùi hôi thối vẫn đang tiếp tục hoạt động trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang khiến người dân bức xúc.

Hạn chót là cuối tháng 10/2019
Theo thống kê của Sở Tài Nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, trong năm 2018 khối lượng chất thải rắn sinh hoạt ở TP là 8.900 tấn/ngày. Số rác này được lực lượng công lập thu gom ở các hộ mặt tiền đường và khu vực công cộng với khối lượng 40%. Còn lại là hệ thống dân lập (gồm các công ty tư nhân, HTX, nghiệp đoàn) tổ chức lấy rác thu gom từ các hộ nhỏ lẻ trong hẻm.
Xe thu gom rác tự chế không được che đậy, gây ô nhiễm môi trường vẫn hoạt động trong khi ngày ''khai tử'' đang đến gần.
Dù thu gom lượng rác đến 60% nhưng phương tiện của lực lượng rác dân lập chủ yếu là xe ba gác, xe lôi, xe tự chế. Hệ quả là phát tán mùi hôi dọc đường đi, rác rơi vương vãi xuống đường và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Để giải quyết vấn đề này, tháng 10/2018, TP Hồ Chí Minh đã ra "tối hậu thư" cho lực lượng thu gom rác dân lập phải hoàn thành việc chuẩn hóa mẫu xe thu gom rác nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường và giảm nguy cơ tai nạn trước tháng 11/2019.
Các phương tiện được áp dụng gồm: Thùng nhựa (hoặc composite) dung tích 660 lít và xe tải. Các thùng này có xe đẩy bằng điện hỗ trợ người thu gom đỡ mất sức khi di chuyển từ nhà dân đến điểm hẹn.
Ngoài việc phải thay thế thùng rác, các xe chở rác với thùng kín, miệng nạp rác có nắp đậy, có hệ thống thu gom nước rỉ rác với tải trọng từ 350kg đến 5 tấn sẽ thay thế xe tải, xe ben, xe máy kéo thùng rác. Các phương tiện này phải đáp ứng quy định của Luật Giao thông Đường bộ và được Cục Đăng kiểm cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường loại xe "ôtô chở rác". Theo tính toán, toàn TP có 880 phương tiện phải chuyển đổi.
Trưởng phòng Chất thải rắn thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Lê Trung Tuấn Anh cho biết, việc chuyển đổi phương tiện là bắt buộc để phù hợp với sự phát triển của một đô thị văn minh như TP Hồ Chí Minh. Nhằm đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi, TP có chính sách hỗ trợ cho lực lượng thu gom rác dân lập vay ưu đãi thông qua Quỹ Bảo vệ môi trường TP gồm: 70% giá trị phương tiện, lãi suất 4,27%/năm trong thời hạn 7 năm.
Ngoài ra, các đơn vị cung ứng cũng có các phương án cải tạo, hoán đổi công năng các phương tiện ôtô tự đổ thành ôtô chở rác và làm thủ tục để được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp phép đúng quy định.
"Người thu gom rác dân lập có thời gian để chuyển đổi. Sau tháng 10/2019 chắc chắn có chế tài, sẽ đề nghị cảnh sát giao thông xử phạt", ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Nguy cơ trễ hẹn?
Tính đến nay, chỉ còn 20 ngày nữa là đến thời hạn những xe gom rác tự chế đang len lỏi khắp ngõ hẻm của TP sẽ bị "khai tử". Tuy nhiên, mốc ngày 1/11/2019 có thể bị phá vỡ do đa số người thu gom rác vẫn chưa tiến hành chuyển đổi phương tiện thu gom đúng chuẩn.
Đề án thay thế xe thu gom rác tự chế đang đứng trước nguy cơ không thể hoàn thành đúng hạn. 
Theo ghi nhận, tình trạng thu gom rác dân lập bằng những chiếc xe này vẫn đang hoạt động khắp nơi, từ đường hẻm đến các tuyến đường lớn và hoạt động bất kể ngày, đêm. Tại các điểm tập kết rác, xe thu gom rác hoạt động hỗn loạn, đậu ngang, dọc khắp nơi, khiến giao thông bị ách tắc trong giờ cao điểm.
Thêm vào đó, việc thu gom rác từ các xe gom rác tự chế không hề tuân thủ nguyên tắc đảm bảo vệ sinh môi trường khiến rác rơi vãi, nước thải rỉ ra gây ô nhiễm. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các hộ dân sống ở hai bên đường, mà còn ảnh hưởng đến những phương tiện giao thông trên đường.
Anh Nguyễn Thanh Huy (ngụ quận 3) cho biết, rất ủng hộ việc TP có chủ trương “khai tử” xe gom rác tự chế. Tuy nhiên, cũng như nhiều người dân khác, anh Huy cho rằng có thể sẽ phải gia hạn thời gian chuyển đổi xe thu gom rác.
“Thời hạn đã sắp đến, nhưng tôi quan sát thấy trên nhiều tuyến đường những chiếc xe gom rác thiếu an toàn, bốc mùi hôi nồng nặc vẫn tiếp tục hoạt động. Với tình hình như vậy, làm sao mà cuối tháng 10 này dẹp được, khó lắm”, anh Huy nhận định.
Chị Trần Thị Minh Nguyệt (ngụ quận 5) bức xúc: “Sống ở một trong những TP phát triển nhất đất nước, mà cứ bước ra đường là thấy xe chở rác, quả thật rất khó chấp nhập. Không nói đâu xa, khu nhà tôi ở tính ra cũng thuộc khu vực trung tâm TP, vậy mà mỗi lần xe đi thu gom ngang qua là y như rằng rác vũng vãi khắp nơi, kèm theo mùi hôi thối bốc”, chị Nguyệt nói.
Các chuyên gia môi trường cho rằng, TP Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt với hơn 10 triệu dân. Và với tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số tăng cơ học khoảng 200.000 người/năm, gây áp lực hạ tầng quét dọn, thu gom rác là rất lớn.
Do vậy, TP nên sớm thay đổi mô hình tổ chức thu gom, quét dọn rác thải đô thị hiện nay. Cần thiết giảm phân tán đầu mối thu gom theo hướng tinh gọn và chất lượng. Sớm ban hành tiêu chuẩn chung về năng lực cung ứng dịch vụ công và chỉ cho phép những đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có đủ năng lực về cơ sở vật chất, nhân lực mới được tham gia thực hiện dịch vụ công.
Kế đến, xây dựng lại đơn giá trả cho hoạt động thu gom, quét dọn rác thải phù hợp với khối lượng rác thải thực tế. Việc trả chi phí dịch vụ vệ sinh môi trường cũng cần được minh bạch và kịp thời.
Việc ban hành chuẩn chung này sẽ từng bước buộc các tổ chức, doanh nghiệp công hoặc tư nhân đang yếu kém về năng lực cung ứng dịch vụ phải tự hợp nhất, hoặc chuyển đổi nâng cao chất lượng hoạt động để tiếp tục duy trì việc thu gom, quét dọn rác thải.