Chỉ ngừng bán hàng ngày mùng 1 Tết
Thông tin về tình hình chuẩn bị hàng hóa, đảm bảo cân đối cung cầu Tết Quý Mão 2023 trên địa bàn, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết Nguyên đán, TP đã chỉ đạo các doanh nghiệp bình ổn thị trường, hệ thống phân phối chuẩn bị nguồn nguyên liệu cần thiết, tăng cường sản xuất, tập trung nguồn hàng, bố trí hệ thống kho dự trữ tập kết hàng hóa, nhân lực, đảm bảo khả năng cung ứng kịp thời, đầy đủ để điều phối, thực hiện ngay khi có yêu cầu.
Về lượng hàng bình ổn thị trường chuẩn bị cung ứng phục vụ Tết, số lượng lương thực là 5.235,2 tấn/tháng; trứng gia cầm là 54,4 triệu quả/tháng; đường là 2.081 tấn/tháng; thực phẩm chế biến là 1.485 tấn/tháng; dầu ăn là 2.356 tấn/tháng; rau củ quả là 9.255,5 tấn/tháng; thịt gia súc là 5.603 tấn/tháng; thủy hải sản là 297,3 tấn/tháng; thịt gia cầm là 8.481,4 tấn/tháng; gia vị là 1.600 tấn/tháng.
Đối với chợ đầu mối, chợ truyền thống, lượng nông sản cung ứng thị trường TP thông qua 3 chợ đầu mối đạt bình quân 7.600 tấn/ngày, gồm 800 tấn thịt gia súc, gia cầm 1.200 tấn thủy hải sản, 5.600 tấn rau củ quả. Dự kiến, vào thời điểm cận Tết, lượng hàng nhập về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 13.000 - 15.000 tấn/ngày. Hiện có 225/232 chợ truyền thống hoạt động. Để chuẩn bị Tết, ban quản lý các chợ tập trung theo dõi số lượng hàng hóa xuất nhập; đảm bảo hoạt động kinh doanh tại chợ thực hiện nghiêm túc quy định về niêm yết giá, hàng hóa kinh doanh có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm…
Cùng với đó, hiện trên địa bàn TP còn 46 trung tâm thương mại, 237 siêu thị, 3.012 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động. Tổng lượng hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng ra thị trường bình quân 1.800 tấn/ngày. Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi sẵn sàng phương án tăng công suất, kéo dài thời gian hoạt động những ngày cận Tết, chuẩn bị và đẩy mạnh cung ứng tăng từ 2 - 3 lần so với ngày thường.
Để đảm bảo cung ứng hàng hóa Tết, Sở Công Thương TP đã tích cực vận động các hệ thống siêu thị kéo dài thời gian phục vụ khách hàng. Cụ thể, từ ngày 20 - 27/12 tháng Chạp, mở cửa từ 7 giờ đến 23 giờ. Từ ngày 28 - 29/12 tháng chạp, mở cửa từ 6 giờ sáng đến 24 giờ. Ngày 30 tháng chạp, mở cửa từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa.
Các siêu thị, cửa hàng khai trương năm mới từ 8 giờ sáng mồng 2 Tết Nguyên đán. Từ mùng 2 đến mùng 5 Tết Nguyên đán, mở cửa từ 8 giờ sáng đến 12 giờ trưa. Từ mùng 6 Tết Nguyên đán, hoạt động kinh doanh bình thường.
Nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá hàng hóa Tết
Theo Sở Công Thương, TP đã tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu giữa TP và các tỉnh thành năm 2022 từ ngày 17/11/2022 đến ngày 20/11/2022 với sự tham gia của 42 tỉnh thành, thu hút hơn 1.000 nhà cung ứng trên cả nước, 700 doanh nghiệp thu mua của TP. Qua đó, đã kết nối được 581 lượt tiếp xúc, ký kết biên bản ghi nhớ.
Các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết; đồng thời thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm...
Đồng thời, doanh nghiệp bình ổn thị trường cùng các doanh nghiệp cung ứng phối hợp các hệ thống phân phối triển khai nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá, tập trung các mặt hàng Tết như nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo...
Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng chủ động, kịp thời cung ứng bổ sung, không để xảy ra khan hàng, sốt giá cục bộ những nhóm hàng bình ổn thị trường trên địa bàn. TP đẩy mạnh phân phối hàng bình ổn thị trường đến tận tay người lao động tại các quận ven, huyện ngoại thành, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, xí nghiệp, khu lưu trú đông công nhân... Theo đó, TP thực hiện 260 chuyến trong 2 tháng cao điểm trước Tết, phục vụ người lao động có thu nhập thấp, không có điều kiện về quê ăn Tết...
Một trong những giải pháp trọng tâm từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 là tiếp tục theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn thời gian qua để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Đơn cử, hệ thống Satra chuẩn bị nguồn hàng Tết, chung tay bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 với tổng giá trị lượng hàng hóa lương thực thực phẩm khoảng 500 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết Nhâm Dần 2022.
Chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thực phẩn thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến: dầu ăn, đường…các mặt hàng thực phẩm ngọt như bánh kẹo, trà, cà phê, bia, nước giải khát… thực hiện chương trình khuyến mại “Tết sum vầy – Tri ân đong đầy” với nhiều sản phẩm giảm giá lên đến 49% cùng nhiều chương trình hấp dẫn.
Tương tự, hệ thống Saigon Co.op triển khai chương trình “Khai Tết xanh – Gieo lộc Lành”, chiết khấu 15% cho hơn 3 triệu giỏ quà Tết. Chương trình Tết càng gần – Giảm càng lớn, giảm giá cực mạnh cho các sản phẩm đặc trưng Tết như nước giải khát, bánh kẹo, hạt, mứt các loại, đồ nguội, dưa món, kiệu, hành ngâm chua và các sản phẩm nhu yếu đến từ các thương hiệu có tiếng và hàng nhãn riêng. Ngoài ra còn đồng loạt giảm giá nhiều mặt hàng thiết yếu như thịt heo, gà ta, thịt bò, thủy hải sản, rau củ quả, trái cây.
Các hệ thống phân phối khác như Go/Top Market; Bách Hóa Xanh; MM Mega Market; Emart; Satra; Wincommerce; Gigamall; FPT, Nguyễn Kim… cũng triển khai nhiều chương trình khuyến mãi Tết, tập trung các mặt hàng phục vụ Tết.