Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Hệ thống kênh rạch nội đô ô nhiễm nghiêm trọng

Yên Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù trong những năm qua, chính quyền TP Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực trong để ngăn chặn lấn chiếm, giảm thiểu ô nhiễm kênh rạch và hạn chế rác thải sinh hoạt xả thẳng ra môi trường, nhưng vẫn không giải quyết được tận gốc.

Thực trạng hệ thống kênh rạch TP Hồ Chí Minh hiện nay
TP Hồ Chí Minh có khoảng 2.000km kênh rạch, đóng vai trò quan trọng trong việc thoát nước trên địa bàn TP. Những năm qua, với sự nỗ lực của TP, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé một phần hồi sinh trở lại. Tuy nhiên, phần lớn hệ thống kênh rạch khác vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng bị lấn chiếm gây ô nhiễm, bởi rác, nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt không qua xử lý xả trực tiếp ra môi trường.
 Hiện nay, tại TP Hồ Chí Minh tình trạng nhà ổ chuột lấn chiếm kênh rạch vẫn chưa giải quyết triệt để. Ảnh: Huy Chương
Hiện nay, những tuyến kênh như kênh 19/5, kênh Đôi, kênh Tàu Hủ, sông Vàm Thuật, kênh Tân Hóa - Lò Gốm, kênh Nước Đen, kênh Tham Lương - Bến Cát, kênh Hy Vọng, rạch  xuyên tâm Gò Vấp - Bình Thạnh… đều có thực trạng mặt nước màu đen kịt, mùi hôi thối nồng nặc bốc lên. Thậm chí, nhiều kênh rạch tình trạng rác thải sinh sinh hoạt,­ xả thải trộm các chất thải cấm, độc hại khiến tình trạng ô nhiễm diễn ra vô cùng nặng nề.
Ngoài ra, nhiều tuyến kênh rạch bị lấn chiếm, xây nhà vô tội vạ không được kiểm soát lên đến hàng chục ngàn căn trên mặt nước như ở khu vực kênh Tàu Hũ, kênh Tẻ, kênh Đôi, kênh Phú Định, rạch xuyên tâm khu vực quận Bình Thạnh… khiến cho hành lang kênh rạch, mỹ quan đô thị bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tình trạng này đã xuất hiện ở thành phố nhiều năm nhưng không được giải quyết triệt để, đúng đắn nên ngày càng trầm trọng. Đến nay, có một số tuyến kênh đã thực sự “chết” khi quá ô nhiễm, rác thải tràn lan làm mất đi khả năng thoát, trao đổi nước. Môi trường nước tù đọng, tiềm ẩn những dịch bệnh khó lường như một số tuyến kênh ở quận Gò Vấp, Bình Tân, Tân Phú, Bình Thanh...
Nhiều tuyến kênh rạch tại TP Hồ Chí Minh bị san lấp, lấn chiếm thu hẹp dòng chay. Ảnh: Huy Chương
Điều đáng báo động là nhiều tuyến kênh được cho là đã hoàn thành việc cải tạo, tốn hàng ngàn tỷ đồng nhưng vẫn không duy trì được sự trong xanh. Điển hình như tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm dài hơn 19km đi qua quận 6, 11, Tân Phú. Dự án cải tạo tuyến kênh này gồm cả việc xây đường sá ven kênh đã tiêu tốn tổng số tiền lên tới gần 5.000 tỷ đồng hoàn thành năm 2015 nhưng chất lượng nước của kênh không thay đổi nhiều.
Hay dự án, cải tạo rạch Xuyên Tâm là một trong những dự án trọng điểm tại TP Hồ Chí Minh. Năm 2002, UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt dự án với tổng vốn khoảng 123 tỷ đồng. Năm 2017, số vốn dự kiến tăng lên 8.600 tỷ đồng. Sau 17 năm, dự án này đội vốn 70 lần và ngày khởi công vẫn chưa được ấn định. Cũng chừng ấy thời gian, hàng nghìn hộ dân 2 bên rạch phải sống bên dòng kênh hôi thối, ngập rác. Nhiều đoạn rạch bị người dân dựng nhà, lấn chiếm, làm thu hẹp dòng chảy.
Phải thay đổi từ ý thức người dân
Theo ông Đặng Văn Khoa - Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên & Môi trường TP Hồ Chí Minh, công tác cải tạo kênh rạch ở TP Hồ Chí Minh nằm trong các dự án hạ tầng đô thị nhưng việc duy trì sự xanh, sạch cho môi trường nước kênh rạch lệ thuộc ý thức người dân.
Ai cũng biết, mỗi dòng kênh đi qua các quận trung tâm ở TP Hồ Chí Minh luôn có hàng triệu người sinh sống ven kênh. Nếu ý thức bảo vệ môi trường của các hộ dân này không cao, họ sẽ  xả thẳng những chất thải, rác thải sinh hoạt hàng ngày ra kênh rạch mà không qua quá trình xử lý thì vấn nạn ô nhiễm kênh rạch không bao giờ được giải quyết. Dù đầu tư tốn kém tiền bạc, với công nghệ hiện đại cỡ nào thì kết quả cũng không được như ý muốn.
Dù chính quyền TP Hồ Chí Minh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cải tạo, nhưng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè tình trạng rác thải sinh vẫn chưa giải quyết triệt để. Ảnh: Huy Chương
Một là ý thức bảo vệ môi trường của nhiều người dân, doanh nghiệp trong khu vực chưa cao. Hai là các dự án cải tạo, làm sạch kênh rạch đều manh mún, triển khai chậm chạp và không hiệu quả như dự kiến. Nhiều tuyến kênh rạch được cải tạo kéo dài tới 10 năm vẫn chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (như Dự án kênh Tham Lương - Bến Cát) thì rất khó để hy vọng dòng kênh ấy sẽ hồi sinh. Hay như Dự án di dời nhà ở ven kênh rạch dù đã triển khai hàng chục năm cho tới nay, số nhà ở ven kênh đang ngày càng nhiều hơn.
Có thể nói, nhiều năm nay chính quyền TP Hồ Chí Minh vẫn loay hoay với việc cải tạo hệ thống kênh rạch từ những dự án hạ tầng còn dang dở cho tới những kênh rạch đã cải tạo xong nhưng nguồn nước vẫn còn ô nhiễm.
Đơn cử tại tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã có nhiều giải pháp được đưa ra, như một giải pháp trang bị hệ thống máy bơm công ra sông Sài Gòn để làm cho nước kênh lưu thông nhiều hơn, giảm bớt sự ô nhiễm nhưng cuối cùng không có hiệu quả.
Cuối cùng hàng ngày vẫn duy trì phương pháp thủ công là thuê công nhân đi ghe, thuyền trên kênh để vớt rác đưa lên bờ. Và đó vẫn chỉ là cách làm hạn chế ô nhiễm chứ không bao giờ giải quyết tận gốc tình trạng ô nhiễm nguồn nước kênh, rạch như hiện nay.