Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh hỗ trợ đợt 3 hơn 7.300 tỷ đồng cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 30/9, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh livestream giải đáp thắc mắc của người dân về Chỉ thị mới tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.

5 nhóm đối tượng được hỗ trợ đợt 3
Hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra với Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, như: Đối tượng nào được nhận hỗ trợ, đối tượng nào không được nhận hỗ trợ gói an sinh xã hội đợt 3, nhận tiền như thế nào? Thành phố sẽ “mở cửa” từ ngày mai 1/10, sau đó có… giãn cách lại không? Người dân muốn về quê phải làm sao vì không còn tiền ở trọ, tiền sinh hoạt? Việc cài đặt các app để khai báo rất khó khăn? Người dân muốn ra đường phải hội đủ điều kiện nào...
 Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh livestream trong chương trình ''Dân hỏi - Thành phố trả lời'' vào tối 30/9.
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan khẳng định, có 5 nhóm đối tượng được hỗ trợ trong đợt 3, gồm: Hộ nghèo cùng số thành viên trong hộ; Hộ cận nghèo cùng số thành viên trong hộ; Người thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng tại cộng đồng có hoàn cảnh thật sự khó khăn; Hộ có hoàn cảnh thật sự khó khăn và số người có hoàn cảnh thật sự khó khăn trong hộ; số người đang lưu trú tạm thời có hoàn cảnh thật sự khó khăn.
Tất cả các đối tượng thuộc 5 nhóm nêu trên phải đang có mặt tại địa bàn xã, phường, thị trấn trong thời gian TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội. Theo đó, mỗi người được hỗ trợ 1 triệu đồng. Để được hỗ trợ, người dân đăng ký qua app lên hệ thống nhằm cơ quan chức năng quản lý, giám sát, còn việc chi trả được chính quyền địa phương trả trực tiếp rồi ký nhận. Việc chi hỗ trợ theo kế hoạch trong khoảng 15 ngày, vì thời điểm này bà con đang khó khăn.
Có 4 nhóm đối tượng không được hỗ trợ trong đợt 3, gồm: Người đang hưởng lương hưu, người đang nhận trợ cấp, người tham gia bảo hiểm xã hội và người thuộc diện doanh nghiệp trả lương tháng 8/2021.
Theo thống kê tại TP Hồ Chí Minh có khoảng 53.483 hộ nghèo, cận nghèo (Khoảng 210.178 nhân khẩu) và người đang lưu trú tại Thành phố gặp khó khăn bởi dịch Covid-19, với tổng số người cần hỗ trợ là 7.347.116 người. Vì vậy, UBND TP Hồ Chí Minh triển khai gói hỗ trợ đợt 3, với dự toán hơn 7.300 tỷ đồng lấy từ nguồn ngân sách Thành phố bao gồm nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương và nguồn kết dư ngân sách năm 2019.
Nguyên tắc của đợt 3 dựa trên cơ sở đợt 1 và 2. Nếu ai nhận đợt 2 sẽ nhận thêm đợt 3. Có những trường hợp đã ghi hồ sơ nhưng vẫn chưa được hỗ trợ, người dân cứ đến UBND phường đăng ký để được cập nhập vô danh sách và đưa lên hệ thống.
Đã phối hợp các tỉnh đưa 35.000 công dân về quê
Đối với câu hỏi sau khi “mở cửa” có giãn cách lại không? Ông Võ Văn Hoan đưa ra ví dụ trên thế giới có nhiều nơi sau thời gian giãn cách, thấy ổn trở lại và thả lỏng dẫn đến không quản lý được. Do đó Thành phố sẽ xem xét nới lỏng thế nào, phải theo từng bước chặt chẽ để không phải quay trở lại giãn cách.
“Hiện chúng ta đứng trước lựa chọn phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế. Do đó cần bảo vệ cả 2 mặt trận, kinh tế và sức khỏe người dân. Để làm được điều đó phải thực hiện chỉ thị mới (Chỉ thị số 18 của UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành - PV) vừa chống dịch vừa bảo đảm kinh tế. Quan điểm của Thành phố là sống thích ứng, an toàn trong môi trường có dịch. Khẳng định F0 luôn tồn tại trong đời sống, do đó cần thích ứng an toàn. Thứ hai, phải nhìn người dân là chủ thể phòng chống dịch, vừa bảo vệ bản thân, gia đình còn chung tay giúp sức với Thành phố. Thứ ba, vai trò của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Trước đây chúng ta không đặt nặng vai trò của thủ trưởng doanh nghiệp thì nay chúng ta đặt nặng vai trò của người này. Do đó Thành phố có nhiều hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhưng vẫn giám sát việc thực hiện phòng, chống dịch Covid-19”, ông Võ Văn Hoan nói.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, quan điểm của Thành phố là an toàn mới nới lỏng. Do đó không thể nào phòng dịch đi trước, sản xuất đi sau, mà phải đi song song. Khi “mở cửa” phải chắc chắn.
Đối với câu hỏi vì sao không cho người lao động nhập cư về quê, khi họ không còn tiền trọ, tiền ăn? Ông Võ Văn Hoan cho rằng tâm trạng xa nhà muốn về quê mang tính phổ biến của bà con, lãnh đạo Thành phố rất chia sẻ. Nếu cho rằng mình đã tiêm vaccine rồi về quê không sai thì không đúng. Vì có tiêm hay chưa tiêm đều có nguy cơ lây cho gia đình, địa phương. Nếu địa phương ở đó nhiễm bệnh, khả năng ngành y tế không đáp ứng các điều kiện, nên Thành phố khuyến khích bà con ở lại vì cần người lao động và tạo cho họ có việc làm, thu nhập.
“Tuy nhiên có nhiều trường hợp như người già, người mang thai, trẻ con lên Thành phố nghỉ hè…, nếu họ phải về thì các tỉnh cần phối hợp, chúng tôi sẽ đưa về. Vừa qua Thành phố cũng đã phối hợp đưa khoảng 35.000 trường hợp về quê ở các tỉnh bằng đường bộ, tàu lửa, máy bay thông qua các hội đồng hương, hội đoàn…”, ông Võ Văn Hoan nói.
Thống nhất dùng app PC-Covid

Về nhu cầu ra đường cần có gì? Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, người dân cần chuẩn bị sẵn đăng ký biến động VNE-iD và vaccine để di chuyển trong Thành phố. Hiện tại vẫn còn một số chốt nhằm kiểm soát ngẫu nhiên người đi đường có hợp lý không? Còn thẻ xanh chỉ nhằm xác định chích mấy mũi vaccine. Đối với người tiêm đủ 2 liều vaccine thì được tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh, người tiêm 1 liều chỉ được tham gia một số hoạt động. Còn việc nhiều người phản ánh đã tiêm 2 mũi, nhưng chưa được app cập nhật, ông Võ Văn Hoan cho rằng do hệ thống app có trục trặc, hoặc trường thông tin của người đăng ký chưa đầy đủ, và có thể nơi tiêm vaccine cập nhật không đầy đủ. Tới đây sẽ dùng app thống nhất trên cả nước là PC-Covid.

Trao đổi về việc người lao động ở khu vực giáp ranh di chuyển lên TP Hồ Chí Minh làm việc và ngược lại như thế nào, ông Võ Văn Hoan cho rằng hiện nay TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai dù xác định là tâm điểm của dịch nhưng cũng là trung tâm sản xuất công nghiệp quan trọng của phía Nam.

Những hoạt động sản xuất tại Thành phố có sự liên kết chặt chẽ với các địa phương giáp ranh. Để tạo điều kiện cho lao động từ các địa phương này đến TP Hồ Chí Minh làm việc bằng xe cá nhân và ngược lại, TP đã phối hợp với các địa phương thống nhất điều kiện cho lao động lưu thông.

Cụ thể, người lao động phải được tiêm vaccine có đăng ký đi đường bằng mã QR để xuất trình tại các chốt. Ngoài ra, Thành phố cũng phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp tổ chức xe đưa rước công dân để đảm bảo an toàn.