TP Hồ Chí Minh: Hơn 43.000 học sinh mắc Covid-19 đang cách ly tại nhà

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ trong 5 ngày (từ 21/2 đến 25/2), có 1.083 học sinh mắc Covid-19 (F0) tại các trường học ở TP Hồ Chí Minh. Hiện toàn thành phố có 43.000 học sinh đang cách ly tại nhà.

Số giáo viên, học sinh mắc Covid-19 tăng cao

Chiều 28/2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh (Ban Chỉ đạo) tổ chức họp báo thông tin tình hình Covid-19 và một số mặt của đời sống.

Ông Trịnh Duy Trọng - Đại diện Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh khẳng định hiện nay số ca mắc Covid-19 trong giáo viên và học sinh tăng cao.
Ông Trịnh Duy Trọng - Đại diện Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh khẳng định hiện nay số ca mắc Covid-19 trong giáo viên và học sinh tăng cao.

Tại buổi họp báo, ông Trịnh Duy Trọng - Trưởng phòng Công tác Chính trị Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hồ Chí Minh, thông tin về số học sinh mắc Covid-19 từ ngày từ 21/2 đến 25/2 tổng cộng 1.083 trường hợp. Hiện nay ngành giáo dục đang nỗ lực triển khai thực hiện việc học trực tiếp theo kế hoạch 3997 của UBND TP Hồ Chí Minh. Việc số ca F0 trong giáo viên, học sinh tăng cao gây nhiều khó khăn cho Sở GD&ĐT và nhà trường lẫn phụ huynh học sinh. Trong tuần qua, thực hiện các quy định mới về xử lý trường hợp F0 và F1, Sở GD&ĐT đã triển khai văn bản hướng dẫn số 548 của UBND TP Hồ Chí Minh đến các trường để thực hiện.

Theo quy định mới, trường hợp trong lớp mầm non chỉ cần có 1 trẻ là F0 thì cả lớp phải nghỉ học. Đối với học sinh cấp TH, THCS và THPT, nếu một lớp có từ 2 ca F0 trở lên và hai lớp trong một trường có 2 ca F0 trong một ngày trở lên thì ngành y tế sẽ tổ chức đánh giá dịch tễ của lớp đó. Nếu 2 ca có liên hệ yếu tố dịch tễ và liên quan các em khác thì tổ chức học trực tuyến. Việc chuyển từ trực tiếp sang học trực tuyến chỉ là phương án cuối cùng, chứ không chuyển ngay. Đối với những học sinh F1, ở nhà học trực tuyến. Nếu em nào đã tiêm vaccine, cách ly ở nhà 5 ngày. Em nào chưa tiêm vaccine, tự cách ly 7 ngày. Sau đó xét nghiệm có kết quả âm tính thì đến trường học trực tiếp.

“Hiện nay, các ca F0 và F1 gia tăng không chỉ ở trẻ mầm non, học sinh mà ngay cả giáo viên trong trường. Giáo viên mắc F0 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc dạy và học. Vì nhiều học sinh phải ở nhà học trực tuyến, do đó các trường phải đảm bảo song song hai hình thức học trực tiếp - trực tuyến để bảo đảm dạy và học tốt”, ông Trịnh Duy Trọng nói.

Trả lời câu hỏi của các phóng viên, đối với các em học sinh là F0 thể nhẹ, sau thời gian tự cách ly tại nhà, khi có kết quả âm tính, ai sẽ cấp giấy xác nhận cho các em? Có một số trường chỉ yêu cầu chụp hình kết quả test nhanh, nhưng một số trường khác lại yêu cầu phải có xác nhận của ngành y tế?

Ông Trịnh Duy Trọng cho rằng theo hướng dẫn của ngành y tế, giấy xác nhận âm tính khi hoàn thành cách ly do trạm y tế, trung tâm y tế hoặc cơ sở y tế cấp. Thực tế khi phụ huynh đưa con mình đi xét nghiệm tại các cơ sở y tế rất khó khăn, dù đây là cách hay nhất. Do đó, nếu có điều kiện thì phụ huynh tự test nhanh cho con mình tại nhà nhưng cần phải khách quan, chính xác. Vì nếu thực hiện không chính xác, để sót những em bị nhiễm quay trở lại lớp học sẽ có khả năng lây lan rất cao. 

Mua thuốc Molnupiravir phải có toa của bác sĩ 

Đối với các F0 là trẻ em đang điều tại nhà cần giấy gì để đến trường? Bộ Y tế đã có hướng dẫn cho nhà thuốc và người dân trong việc bán thuốc và sử dụng thuốc điều trị Covid-19? Hiện TP Hồ Chí Minh đang thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, vậy có nhất thiết phải truy vết F0 để cách ly, vì cách ly sẽ làm gián đoạn việc học của học sinh và sản xuất của doanh nghiệp?

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, cho biết muốn mua thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19 phải có toa của bác sĩ.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, cho biết muốn mua thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19 phải có toa của bác sĩ.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, trả lời: “Đối với trẻ F0 có triệu chứng nặng sẽ được đưa vào bệnh viện để điều trị, điều trị xong sẽ được cấp giấy xuất viện. Ở thể nhẹ thì chăm sóc tại nhà, do vậy phải báo cho trạm y tế để được theo dõi, giám sát theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Sau khi trạm y tế xác nhận bằng giấy, có nghĩa đã xong thời gian cách ly.

Về việc bán thuốc Molnupiravir tại các nhà thuốc, trước đó Sở Y tế đã có văn bản đề xuất Bộ Y tế ban hành hướng dẫn việc kinh doanh thuốc này, hiện vẫn đang chờ.

Hiện nay tại các cơ sở y tế của thành phố Hồ Chí Minh còn hơn 36.000 liều thuốc điều trị Covid-19, phát miễn phí cho đối tượng đủ điều kiện. Việc truy vết F0 là thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, điều này là cần thiết. Việc truy vết là một trong những nhiệm vụ của ngành y nhằm giảm lây nhiễm trong cộng đồng”.

 

Hai tuần hơn 2.600 trẻ mắc Covid-19

Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, theo công bố của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, từ ngày 13/2 đến 26/2, số trẻ mắc Covid-19 là 2.659 ca (từ 0-6 tuổi: 505 ca, từ 7-11 tuổi: 1.055 ca, từ 12-15 tuổi: 587 ca và từ 16-18 tuổi là 512 trường hợp). Tại 3 Bệnh viện Nhi của thành phố Hồ Chí Minh, cho đến 8 giờ sáng ngày 28/2, tổng ca nội trú là 197 trẻ, có 519 ca được phát hiện qua sàng lọc trong khu khám ngoại trú, đã cho nhập viện 33 ca.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, việc một số nhà thuốc yêu cầu quay lại clip quá trình test nhanh thì mới bán thuốc. Về nguyên tắc chung khi kinh doanh thuốc kháng virus hoặc thuốc Molnupiravir phải theo đúng quy định: Có toa của bác sĩ, bác sĩ phải có chứng chỉ hành nghề, muốn được kê toa thì bác sĩ phải làm hai việc: Xác định người đó là F0 (phải xét nghiệm khẳng định PCR); Để sử dụng thuốc Molnupiravir, phải: Từ 18 - 65 tuổi, không mắc bệnh lý nặng, người có triệu chứng nhẹ.

Về những câu hỏi của các báo, như: Quản lý ra sao đối với một số nhà thuốc quảng cáo có bán thuốc Molnupiravir? Giá bán kit test hiện rất loạn xạ? Đối với hơn 43.000 em học sinh là F0 đang cách ly tại nhà, thì những ai được cấp thuốc và ai được mua thuốc Molnupiravir? Sở Y tế có giải pháp nào tránh tình trạng tích trữ, đầu cơ như hiện nay?

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, khẳng định: “Khi quảng cáo các sản phẩm thuốc và sinh phẩm y tế phải thực hiện theo quy định pháp luật, phải gửi hồ sơ về cơ quan có thẩm quyền để xác nhận nội dung quảng cáo đó đúng với sản phẩm. Hiện nay Thanh tra thành phố  Hồ Chí Minh đang tổ chức 3 đoàn kiểm tra, Sở Y tế tổ chức 6 đoàn đến các cơ sở liên quan kinh doanh kit test trên địa bàn để thanh tra. Còn việc mua thuốc Molnupiravir buộc phải có toa của bác sĩ, hiện thành phố vẫn đang cấp miễn phí thuốc điều trị Covid-19 cho người bệnh”.

 

Tại buổi họp báo, ông Phạm Đức Hải - Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh kiêm Phó trưởng Ban Chỉ đạo, đưa ra điều 48 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, quy định: Người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A được khám và điều trị miễn phí.

Từ điều luật trên, ông Phạm Đức Hải đề nghị: “2 năm qua, tại Việt Nam đã có nhiều người được điều trị Covid-19 miễn phí, cụ thể ở 3 gói thuốc A - B - C. Sở Y tế đã có văn bản xin Bộ Y tế hướng dẫn, nhưng chưa được trả lời. Trong khi chờ trả lời, đề nghị: Đối với người mắc Covid-19, nên đến Trạm Y tế khai báo để được chăm sóc, theo dõi đúng quy định. Không phải ai là F0 cũng phải sử dụng gói thuốc B - C, vì vậy chỉ khi bác sĩ đề nghị uống gói C thì mới uống. Đối với các nhà thuốc, hãy chờ Bộ Y tế ban hành hướng dẫn cụ thể, lúc đó hãy bán thuốc Molnupiravir cho người dân”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần