Những người có hoàn cảnh khó khăn tại TP Hồ Chí Minh xếp hàng để nhận gạo. Ảnh: Huy Chương |
Theo đó, tính đến 10/5, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 3.808 hộ kinh doanh khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm, với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng. Sở Lao động Thương binh và Xã hội đề nghị chi theo hàng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020, dự kiến kinh phí hơn 11,4 tỷ đồng.
Về đối tượng và số lượng người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tính đến 10/5, TP có 284.098 người cần hỗ trợ, với mức 1 triệu đồng/người/tháng, chi theo hằng tháng tùy theo tình hình thực tế của diễn biến dịch nhưng tối đa không quá 3 tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020, dự kiến kinh phí hỗ trợ hơn 852,2 tỷ đồng.
Mặc dù tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ trên địa bàn TP đã được phép mở lại và bỏ quy định giãn cách, tuy nhiên, diễn biến dịch trên thế giới vẫn rất phức tạp, nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm trên địa bàn TP vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề và gặp rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19.
Do đó, để đảm bảo nguồn kinh phí hỗ trợ cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, đã được quy định tại khoản 4 Mục II Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội dự toán kinh phí hỗ trợ trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 để trình Thường trực UBND TP xem xét, với tổng kinh phí hơn 863,7 tỷ đồng.