TP Hồ Chí Minh: Huy động nguồn lực từ đất để đầu tư phát triển!

HUY KHÁNH
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khuôn khổ hội nghị "TP Hồ Chí Minh trở lại bình thường mới hậu Covid-19: Vấn đề và kiến nghị”, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đề xuất 7 nhóm giải pháp, trong đó đáng chú ý là giải pháp về nguồn lực... huy động nguồn lực từ quỹ đất để đầu tư phát triển.

Lần đầu tiên kinh tế tăng trưởng âm
Chiều 14/12, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị Gặp gỡ người Việt Nam ở nước ngoài góp ý kiến cho sự phát triển bền vững của TP Hồ Chí Minh với chủ đề "TP Hồ Chí Minh trở lại bình thường mới hậu Covid-19: Vấn đề và kiến nghị”.
Toàn cảnh ''Hội nghị TP Hồ Chí Minh trở lại bình thường mới hậu Covid-19: Vấn đề và kiến nghị''.
Trong khuôn khổ hội nghị, Sở KH&ĐT TP Hồ Chí Minh đã trình bày một loạt các giải pháp nhằm phục hồi phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Theo Sở KH&ĐT TP Hồ Chí Minh, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát từ ngày 27/4/2021, đã làm cho mọi hoạt động kinh tế - xã hội của TP gián đoạn, các động lực tăng trưởng kinh tế bị kéo lùi nghiêm trọng. Từ quý 4/2021, TP đã dần mở cửa nền kinh tế, các hoạt động kinh tế - xã hội từng bước trở lại trong trạng thái bình thường mới. Hiện TP Hồ Chí Minh vẫn đang chịu áp lực và nguy cơ cao dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Năm 2021 là một năm hết sức khó khăn đối với chính quyền và người dân TP, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng hàng loạt chỉ tiêu kinh tế mà TP đã nỗ lực phấn đấu để thực hiện, gây xói mòn đến những thành quả mà TP đã đạt được trong suốt thời gian vừa qua dẫn đến GRDP của TP năm 2021 ước giảm 6,78% so với cùng kỳ. Đây lần đầu tiên trong lịch sử của TP từ giai đoạn đổi mới, kinh tế  tăng trưởng âm 6,78%...
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của dịch Covid-19 nhưng kinh tế - xã hội TP vẫn có nhiều điểm sáng tích cực. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 370.483 tỷ đồng, đạt 101,3% dự toán năm. Kim ngạch xuất khẩu ước tăng 2,8%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng, thu hút được khoảng 5,8 - 6 tỷ USD ước tăng khoảng 11% - 15% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ (năm 2020 đạt 5,22 tỷ USD). Lượng kiều hối về TP ước đạt 6,6 tỷ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ…
Cũng theo Sở KH&ĐT, TP Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt của cả nước, bên cạnh tiềm năng phát triển, vẫn phải đối diện với những thách thức ngày càng lớn do bất cập về cơ sở hạ tầng, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phân bổ dân cư… Bên cạnh tác động của dịch bệnh, những thách thức nội tại cũng cần được nhìn nhận lại. Thách thức từ hội nhập kinh tế quốc tế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, liên kết vùng, sự phát triển của các TP lớn của khu vực Đông Nam Á, và năng lực cạnh tranh một số lĩnh vực của TP giảm so với các địa phương khác trong cả nước. Đây là những thách thức đã và đang tiếp tục đe dọa sự phục hồi và phát triển TP trong thời gian tới…
Huy động nguồn lực từ đất
Sở KH&ĐT TP Hồ Chí Minh đề xuất một số nhóm giải pháp cấp bách và dài hạn để giúp TP Hồ Chí Minh nhanh chóng phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Nhóm giải pháp cấp bách cho giai đoạn phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội TP (Từ nay đến hết năm 2022).
Về kinh tế, từng bước khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội gắn với thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19, trong đó: Tập trung khắc phục gián đoạn trong chuỗi cung ứng từ lưu thông đến sản xuất, phân phối; ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho các ngành kinh tế, các động lực tăng trưởng kinh tế từ đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu tăng tốc trở lại; Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh do Chính phủ ban hành…
Từ năm 2023 đến năm 2025, Sở KH&ĐT đề nghị tập trung 7 nhóm giải pháp chủ yếu sau, trong đó đáng chú ý như nhóm giải pháp tập trung nguồn lực từ vốn đầu tư công và các đề án ưu tiên triển khai thực hiện, trong đó, sắp xếp danh mục dự án đầu tư công trong 4 năm 2022 - 2025 theo tiêu chí tạo sự lan tỏa mạnh mẽ nhằm kích thích tổng cầu và có tác động thu hút mạnh hơn đầu tư tư nhân theo nguyên tắc đầu tư công tạo “vốn mồi”… Nhóm giải pháp nâng cao chất lượng nền kinh tế, trong đó, tập trung các ngành kinh tế hướng đến đổi mới sáng tạo; các phân khúc tạo giá trị gia tăng cao; phát huy hiệu quả hạ tầng khu công nghiệp - khu chế xuất hiện hữu và theo quy hoạch trong giai đoạn tới theo hướng ứng dụng công nghệ cao, giảm thâm dụng lao động…
Trong 7 nhóm giải pháp được Sở KH&ĐT kiến nghị, đáng chú ý nhóm giải pháp nâng tầm quốc tế của thương hiệu TP, trong đó, xây dựng TP trở thành Trung tâm tài chính, thương mại du lịch quốc tế, điểm đến hấp dẫn toàn cầu, thu hút nhân tài theo các chỉ số đánh giá TP toàn cầu.
Về nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 - 2025, TP dự kiến huy động các nguồn lực sau đây:
Thứ nhất, sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính từ các chính sách, các gói phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch Covid-19 của Chính phủ nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn và khôi phục nền kinh tế.
Thứ hai, rà soát, lập danh mục toàn bộ các cơ sở nhà, đất đang quản lý, sử dụng để phân loại nhà, đất thuộc phạm vi phải sắp xếp lại, xử lý và nhà, đất không thuộc phạm vi phải sắp xếp lại, xử lý để khai thác nguồn thu từ đất đai.
Thứ ba, kiên trì kiến nghị trung ương bố trí vốn đầu tư công cho các dự án hạ tầng quan trọng, có tính chất thúc đẩy các động lực tăng trưởng, kết nối liên kết vùng, đề xuất Trung ương tăng thêm vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 của TP tương ứng với nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của TP…