Vẫn ghi nhận ca mắc Covid-19, nếu Bộ Y tế bỏ công bố
Về việc Bộ Y tế kiến nghị bỏ công bố số ca nhiễm mỗi ngày thì công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh sẽ như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trả lời: “Hiện nay chúng ta vẫn đang thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ và công văn 218 của Bộ Y tế, thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang thực hiện đánh giá cấp độ dịch. Do vậy nếu không công bố ca mắc mới theo kiến nghị của Bộ Y tế, điều này cũng không đồng nghĩa với việc không ghi nhận trên hệ thống báo cáo. Sau này nếu có hướng dẫn mới của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Trung ương thì áp dụng lại, còn việc đánh giá cấp độ dịch, TP Hồ Chí Minh vẫn đang làm rất tốt”.
Đối với câu hỏi hiện nay tình trạng tái nhiễm Covid-19 sau 1 - 2 tháng, ngành y tế có thống kê? Tỷ lệ tái nhiễm là bao nhiêu, tái nhiễm có bị nặng hơn không? Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho rằng chỉ tiêu về tỷ lệ không có trong hệ thống báo cáo của Bộ Y tế, chỉ ghi nhận trường hợp đã có hiện tượng tái nhiễm tại cơ quan, đơn vị, hoặc ở cấp độ phường/xã.
“Về mức độ trở nặng của người tái nhiễm, do ngay từ đầu không có yêu cầu báo cáo những trường hợp này. Tuy nhiên ngành Y tế vẫn theo dõi, quan sát trường hợp ca chuyển nặng cũng như ca tử vong trong thời gian qua tại thành phố. Chúng ta ghi nhận ca chuyển nặng đã có dấu hiệu hơi tăng. Đối với ca tử vong trên địa bàn thành phố đã giảm sâu kể từ đầu dịch. Ngành Y tế vẫn tiếp tục theo dõi sát đối với ca nhiễm nặng và tử vong để báo cáo với Ban Chỉ đạo nhằm có tính toán kịp thời và đưa ra biện pháp cụ thể. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh có những giải pháp cụ thể, như: Nếu ca mắc mới tăng, sẽ bố trí sắp xếp lại các cơ sở thu dung, điều trị để đáp ứng kịp thời, khi cần thiết thì kích hoạt các cơ sở điều trị, thu dung trở lại” - bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai nói.
Sẽ có thêm nhiều công ty sản xuất thuốc điều trị Covid-19
Cũng theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, ngành Y tế TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với các ngành liên quan để thực hiện các giải pháp: Tiếp tục mở cao điểm “Chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ đến hết ngày 31/3 với phương châm “Đi từng ngõ gõ từng nhà”; thực hiện xét nghiệm tầm soát người có nguy cơ cao để kịp thời phát hiện F0; nếu phát hiện người chưa tiêm vaccine phòng Covid-19 thì thuyết phục họ đi tiêm; nhằm hạn chế lây lan giữa trẻ em thì ngành y tế đã có hướng dẫn chăm sóc trẻ em tại nhà nếu mắc Covid-19.
Về thuốc điều trị Covid-19, bà Mai khẳng định không sợ thiếu. Vì 3 công ty dược phẩm được Bộ Y tế cấp phép sản xuất mỗi tháng đã hơn 2 triệu viên. Sắp tới, Bộ Y tế tiếp tục cấp phép cho hàng loạt công ty dược phẩm khác, lúc đó giá thuốc sẽ giảm xuống.
Đối với những câu hỏi: F1 là lao động có được đi làm, F1 là học sinh có được đi học? Kịch bản bỏ cách ly F1 như thế nào?, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai thông tin: “Hiện nay, Bộ Y tế chưa có hướng dẫn nên phải tiếp tục tuân thủ quy định của Bộ. Và một trong những biện pháp giảm tải cho ngành y tế hiện nay vẫn là biện pháp cách ly F1. Bộ Y tế vẫn chưa bỏ việc cách ly đối với F1 nhằm quản lý tốt đối tượng có nguy cơ để giảm tử vong”.
Giáo viên hay học sinh bị F0, vẫn cách ly theo quy định
Ông Trịnh Duy Trọng - Trưởng phòng Công tác Chính trị Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết: “Học sinh hoặc giáo viên bị F0 phải cách ly tại nhà để tập trung điều trị cho đến khi hết bệnh sẽ quay lại giảng dạy. Trường hợp chưa thể tham gia giảng dạy trực tiếp thì dạy online. Đối với học sinh, nhà trường đã có kế hoạch bồi dưỡng, tạo điều liện cho các em theo kịp chương trình. Khi giáo viên bị F0 phải cách ly, tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến việc dạy trực tiếp và sẽ gây ra khó khăn. Do đó các trường vẫn đang nỗ lực đảm bảo bằng 2 phương pháp dạy học trực tiếp và dạy online”.