Theo đó, TP Hồ Chí Minh sẽ xây dựng lộ trình, giải pháp kiểm soát khí thải xe máy như thu hồi xe cũ, xã hội hóa hoạt động kiểm định...
Không thể chậm hơn
Nguồn khí thải từ hoạt động giao thông được nhận định là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, kết quả tổng hợp của Trung tâm quan trắc môi trường TP cho biết thông số bụi đo tại một số vị trí quan trắc chịu ảnh hưởng do hoạt động giao thông ở TP từ năm 2007 đến 2017 đều ở mức vượt chuẩn. Trong đó, những chất khí có nhiều trong không khí như NO2, SO2, CO2 đều ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Đáng nói, sau gần 15 năm áp dụng quy chuẩn khí thải ở mức thấp nhất, tháng 3 năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 16/2019 nâng mức tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô, nhưng xe máy - chiếm hơn 80% lượng khí thải từ phương tiện cơ giới đối với môi trường - vẫn vô tư ngoài vòng kiểm soát.
Theo thống kê từ Sở Giao thông Vận tải, hiện TP Hồ Chí Minh có gần 7,5 triệu mô tô, trung bình 1,5 người có 1 mô tô. Con số từ các cơ quan kiểm soát và nghiên cứu môi trường TP cho biết mô tô lưu thông thải ra 94% hydro carbon, 87% carbon, 57% ô xít ni tơ trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới.
Với tốc độ tăng mô tô trên địa bàn 10 - 15%/năm và vẫn chạy với chuẩn EURO 2 (mức gây ô nhiễm môi trường nặng nề) từ hàng chục năm qua, lượng xe mô tô tăng kéo theo lượng khí phát thải chắc chắn sẽ gia tăng mạnh trong thời gian tới.
TP Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi văn bản thúc giục Bộ Giao thông Vận tải sớm trình Chính phủ ban hành quy định về kiểm tra khí thải đối với xe mô tô đang lưu hành và trong trường hợp chưa thể ban hành quy định áp dụng trên cả nước, địa phương mong được Bộ hướng dẫn thủ tục để có thể thực hiện thí điểm. Tuy nhiên do phải chờ sửa đổi, bổ sung luật Giao thông đường bộ, đề án này đến nay vẫn phải nằm chờ trên giấy.
Sẽ khả quan?
Mới đây, Sở Giao thông Vận tải TP vừa đề nghị Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam và Công ty Honda Việt Nam phối hợp xây dựng kế hoạch thí điểm kiểm soát khí thải đối với môtô, xe máy tham gia giao thông trên địa bàn TP.
Sở GTVT TP nhận định, ô nhiễm khí thải do xe máy ở TP đang ngày càng gia tăng, phải cấp bách kiểm soát tình hình. |
"Với yêu cầu cấp bách để cải thiện chất lượng không khí và trong lúc chờ sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, Sở Giao thông Vận tải đang đề xuất UBND TP xem xét, chấp thuận chủ trương thuê đơn vị tư vấn có đủ năng lực, kinh nghiệm xây dựng đề án kiểm soát khí thải môtô, xe máy với kinh phí khoảng 2,4 tỷ đồng" - đại diện Sở Giao thông Vận tải TP cho biết.
Ngoài ra, Sở Giao thông Vận tải TP cũng đang nghiên cứu, đề xuất TP xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc cần thiết phải kiểm soát khí thải đối với môtô, xe gắn máy nhằm từng bước tiến tới quản lý, giảm thiểu ô nhiễm do khí thải phương tiện cơ giới gây ra.
Sở này đề nghị 2 đơn vị trên phối hợp, hỗ trợ xây dựng kế hoạch khảo sát, kiểm tra khí thải đối với xe máy tại một số điểm như đại lý phục vụ bảo dưỡng trong nội thành và ngoại thành.
Đơn vị khảo sát sẽ thống nhất nội dung chi tiết, thời gian, biểu mẫu, hình thức thực hiện trước khi đề xuất những giải pháp, chính sách kiểm soát khí thải đối với loại phương tiện này.
Thống kê của Sở Giao thông Vận tải cho thấy tốc độ gia tăng phương tiện xe cá nhân ngày càng cao. Tính đến ngày 18/8, TP có gần 7,9 triệu phương tiện, trong đó hơn 730.000 ôtô và 7,15 triệu xe máy. Việc gia tăng các phương tiện cơ giới xả ra khí thải đang ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Theo chương trình hành động của Thành ủy TP về giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020, TP đặt mục tiêu giảm 70% ô nhiễm không khí do giao thông vận tải.
Đánh giá về kế hoạch nêu trên của Sở Giao thông Vận tải TP, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng kế hoạch này tương đối táo bạo bởi thực tế, vấn đề "nhân thân" xe máy vốn rất phức tạp.
“Việc kiểm soát khí thải đối với môtô, xe máy là rất cần thiết. Tuy nhiên, lộ trình thực hiện sẽ rất khó khăn. Bởi vì, để kiểm soát khí thải của xe máy, đầu tiên phải nắm được thông tin cụ thể về số lượng xe trên đường. Vấn đề này là rất khó bởi thực tế tại TP của chúng ta, lượng xe cũ hiện rất nhiều, thông tin không còn rõ ràng. Nhiều trường hợp mua bán xe không sang tên đổi chủ, dẫn đến công tác quản lý chủ xe nộp phạt cũng rất khó”, một chuyên gia nhận định.
Anh Nguyễn Thành Tình (một chủ cửa hàng xe máy tại quận 6) cho rằng: “Với kinh nghiệm nhiều năm buôn bán xe máy, tôi thấy riêng khu vực quận 6, số lượng người lao động từ tỉnh lên TP thuê nhà ở tạm, địa chỉ không rõ ràng… Điều này chắc chăn sẽ gây khó khăn trong việc yêu cầu kiểm định khí thải môtô, xe máy”, anh Tình chia sẻ.
Đồng quan điểm với anh Tình, chị Nhãn (quận 3) phân tích: “Theo tôi, việc khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, giảm số lượng các phương tiện cá nhân, là điều rất đáng hoan nghênh, việc này ở các nước Nhật, Singapore, Hàn Quốc…đã triển khai từ lâu. Tuy nhiên, để làm được như các nước bạn thì TP chúng ta cần có những biện pháp cải thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống xe công cộng trong TP thuận tiện hơn, chứ nếu với tình hình hiện tại, e rằng kế hoạch tốt cũng khó mà thực hiện được”, chị Nhãn nói.
Sửa đổi tiêu chuẩn khí thải Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết vừa thực hiện 2 đợt kiểm tra khí thải miễn phí cho môtô, xe máy tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Cục Đăng kiểm Việt Nam còn lập mô hình thí điểm kiểm tra khí thải những loại xe này tại các đại lý bán xe ở 2 địa phương nêu trên. Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, cơ quan này đang xây dựng dự thảo sửa đổi tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6438, quy định về mức khí thải cho phép của các loại xe, cũng như thống kê và nghiên cứu để đưa ra mức tiêu chuẩn khí thải phù hợp với môtô, xe máy đang lưu hành. "Những tiêu chuẩn này sẽ là cơ sở kỹ thuật để các địa phương có thể triển khai, áp dụng quy định kiểm soát khí thải môtô, xe máy theo điều kiện thực tế trên địa bàn" - đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết. |