Đẩy mạnh phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập
Theo sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, năm học 2023-2024, số học sinh không có hộ khẩu thường trú trên toàn TP là 347.962 (chiếm tỷ lệ 20,67% tổng học sinh của TP). Bình quân mỗi năm, số học sinh tăng thêm các cấp học khoảng 25.000 học sinh, áp lực này làm gia tăng sĩ số học sinh/lớp vượt cao so với chuẩn (nhất là cấp tiểu học). Tuy nhiên, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh khẳng định rằng năm học 2024-2025, vẫn đảm bảo 100% chỗ học cho học sinh trên địa bàn TP.
Hiện nay, tỷ lệ học sinh học tại các trường phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, loại hình công lập đạt tỷ lệ chiếm 80% tổng số học sinh (ngoài công lập chiếm 20%).
Vì vậy, trong chiến lược phát triển giáo dục TP Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đề ra mục tiêu đến năm 2030: “Tỷ lệ cơ sở và số học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục phổ thông ngoài công lập đạt 40% (cơ sở) và 30% (học sinh); đến năm 2030, tỷ lệ tương ứng đạt 50% (cơ sở) và 35% (học sinh)”.
Cũng theo Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, hiện nay số trường học phân bố không đồng đều tất cả các khu vực, áp lực tuyển sinh tại quận Gò Vấp, quận Tân Bình, Quận 12, TP Thủ Đức.
Do đó, UBND TP Hồ Chí Minh đang triển khai đề án xây dựng 4.500 phòng học chào mừng Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước dự kiến mục tiêu đến năm 2025 có 07 dự án trường học phổ thông sẽ được xây dựng mới để phục vụ nhu cầu chỗ học cho con em trong độ tuổi trên các địa bàn.
Nhiều vướng mắc trong đầu tư xây dựng trường học
Theo Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, trong quá trình triển khai các dự án những thay đổi mới về quy định trong quy trình thực hiện các thủ tục về đầu tư công và các quy định liên quan khác về quy hoạch, đất đai… dẫn đến quá trình triển khai thực hiện các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 phải trải qua nhiều bước.
Tiếp đến, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội và sự gia tăng nhanh chóng dân số trên địa bàn TP thời gian vừa qua, yêu cầu thực hiện điều chỉnh các đồ án quy hoạch đô thị là thiết yếu, do vậy quỹ đất sạch để đầu tư xây dựng trường học ngày càng hạn chế và thực tế rất nhiều các dự án xây dựng trường học hiện nay gặp vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.
Ngoài ra, còn nội dung khó khăn khá lớn đối với đặc thù của TP Hồ Chí Minh đó là việc đảm bảo định mức diện tích đất bình quân/học sinh theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT tại Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 về Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Để tháo gỡ bất cập trên, Sở GD&ĐT đã có đề xuất kiến nghị và cùng với các sở, ngành tham mưu UBND TP Hồ Chí Minh báo cáo Bộ GD&ĐT và Bộ Xây dựng xem xét, tháo gỡ tại Công văn số 4686/UBND-DA ngày 19/9/2023. Đến nay, Bộ GD&ĐT đã xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 lấy ý kiến góp ý các địa phương, về cơ bản dự thảo đã có lưu tâm, cập nhật nội dung về định mức diện tích đất bình quân/học sinh ở các cấp học để có sự thống nhất với Tiêu chuẩn quốc gia.