Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, từ sáng sớm 28/10 trên nhiều tuyến đường như: Hậu Giang (quận 6), Cách Mạng Tháng Tám (quận 10), Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), Tân Sơn Nhì, Bờ Bao Tân Thắng, Lê Trọng Tấn (quận Tân Phú), Tăng Nhơn Phú, Đỗ Xuân Hợp, Lê Văn Việt (TP Thủ Đức)… các quán hàng bán đồ ăn uống đã dọn bàn ghế phục vụ khách tại chỗ.
Đáng chú ý, hầu hết hàng quán đều tuân thủ quy định chỉ phục vụ công suất tối đa 50% sức chứa của quán, và thực hiện các quy định theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Nhiều chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chia sẻ, họ cảm thấy rất phấn khởi vì bán tại chỗ khách sẽ đông hơn. Dù hạn chế lượng khách trong một thời điểm, nhưng sẽ thuận lợi khi kết hợp bán mang về. Ai nấy đều mong mỏi, hy vọng tình hình kinh doanh ăn uống trong thời gian tới sẽ ổn định và đông khách hơn.
Nhà hàng Kỳ Hòa (quận 10) mở cửa đón khách ngay trong ngày đầu được phép phục vụ tại chỗ. Ảnh: Mậu Dũng |
Chị Lê Na - chủ quán bún bò Quỳnh Na (đường 24, quận 6) cho biết, chị rất phấn khởi vì TP cho phép hàng ăn phục vụ tại chỗ, song vẫn cam kết sẽ tuân thủ công tác phòng dịch Covid-19.
“Những món ăn khô thì mua mang về được, còn bún bò phải ăn nóng, ăn tại chỗ mới ngon. Được phục vụ lại bà con sau nhiều ngày đóng cửa, tôi vui lắm” – chị Lê Na nói.
Tương tự, anh Nguyễn Trọng Nhân - chủ quán cà phê trên đường Hồng Bàng (quận 5, TP Hồ Chí Minh) cũng chia sẻ, sự vui mừng vì được mở bán, phục vụ khách hàng thân thiết.
Một hộ kinh doanh bún bò hồ hởi đón khách đến ăn uống tại chỗ sau gần 1 tháng chỉ bán đồ mang về. Ảnh: Mậu Dũng |
“Bán mang về ít người mua lắm, chủ yếu họ thích ngồi tại quán trò chuyện, nhâm nhi ly cafe. Tuy nhiên, tôi không dám chủ quan, để đảm bảo các quy định phòng dịch, tất cả nhân viên phục vụ quán đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng dịch. Ngoài ra, chúng tôi luôn đeo khẩu trang, nhắc nhở khách hàng ngồi ăn giãn cách và xịt khuẩn tay thường xuyên” – anh Nhân nói.
Anh Trần Mạnh Hùng (TP Thủ Đức) bày tỏ: Suốt nhiều tháng qua, mọi người đều ở nhà để phòng dịch. Trong thời gian đó, dù học tập, làm việc hay giải trí, tất cả đều thông qua chiếc màn hình máy tính, điện thoại. Ngay cả việc ăn uống, mua hàng hóa, gia đình anh cũng thường phải đặt online. “Sáng nay, khi hàng quán được bán tại chỗ, nơi đầu tiên tôi ghé chân đến là quán phở quen thuộc, sau đó ra cafe gần nhà ngồi thư giãn. Lâu lắm rồi tôi mới được uống ly cafe ngon đến vậy” - anh Hùng nói.
Trước đó, chiều 27/10, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành văn bản về việc mở cửa hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống; trong đó cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phục vụ tại chỗ kể từ ngày 28/10 nhưng không bán, không để khách sử dụng đồ uống có cồn tại quán.
Quán bún đậu mắm tôm ở quận Tân Bình cũng đã mở cửa đón khách nhưng chỉ hoạt động không quá 50% công suất. Ảnh: Mậu Dũng |
Theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh đã cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phục vụ tại chỗ kể từ ngày 28/10 và phải đảm bảo các điều kiện an toàn phòng dịch theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh (ban hành kèm theo Quyết định số 3677/QĐ-BCĐ ngày 27/10 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh).
Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải đảm bảo các yêu cầu: Thời gian hoạt động kết thúc trước 21 giờ hàng ngày, công suất hoạt động tối đa 50% và không bán, không để khách sử dụng đồ uống có cồn tại quán ăn (trừ hệ thống các nhà hàng tổ chức tiệc cưới, nhà hàng tại các cơ sở lưu trú, cơ sở tham quan phục vụ khách du lịch).