Nỗ lực kiểm soát dịch viêm phổi lạ từ Trung Quốc được đánh giá là rất khó khăn khi virus gây bệnh thích nghi và biến đổi |
Sẵn sàng chống dịch ngày Tết
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hồng Tâm - Giám đốc Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế TP Hồ Chí Minh.
“Lãnh đạo trung tâm chia nhau trực ở sân bay trong những ngày Tết, nhân viên không được đi khỏi TP. Sân bay Tân Sơn Nhất triển khai 2 máy đo thân nhiệt, giám sát chặt chẽ thân nhiệt hành khách quốc tế nhập cảnh, đặc biệt là khách từ Trung Quốc”, ông Tâm cho biết.
Cũng theo ông Tâm, khi phát hiện trường hợp mắc bệnh hô hấp cấp như ho, khó thở, mệt mỏi sẽ mời vào khu vực khám lâm sàng, điều tra dịch tễ. Nếu trường hợp phát hiện ca bệnh nghi ngờ sẽ cách ly, vận chuyển đến các bệnh viện do Sở Y tế TP chỉ đạo bằng xe cấp cứu 115, khử trùng bảo đảm không để lây lan mầm bệnh. Trung tâm sẽ cung cấp danh sách những hành khách ngồi gần người nghi ngờ mắc bệnh để địa phương giám sát ngoài cộng đồng.
Bệnh viêm phổi cấp tính khởi phát ở Vũ Hán ngày 31/12/2019 với 41 người nhập viện, sau đó lan nhanh nhiều nơi khác và xuất hiện ở Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ. Nguyên nhân gây bệnh là chủng virus thuộc họ Corona chưa từng được biết đến, được đặt tên là nCoV, gây bệnh truyền nhiễm về đường hô hấp. Đến ngày 23/1, hơn 640 người Trung Quốc bị viêm phổi cấp, 17 người chết, 3 thành phố trong đó có Vũ Hán bị phong tỏa nội bất xuất ngoại bất nhập. |
Làm việc với Cảng vụ hàng không miền Nam về phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV ngày 23/1, Phó giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Hữu Hưng cho biết, đã chỉ đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP sẵn sàng tiếp nhận người bệnh là người lớn, 3 bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng Thành phố tiếp nhận bệnh nhân là trẻ em.
"Trong thời gian nghỉ Tết, các phòng ban, trung tâm phải trực nghiêm túc để ứng phó kịp thời khi có dịch xảy ra. Sở Y tế TP đã làm việc với Cảng vụ hàng không miền Nam về công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV (viêm phổi cấp) có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam nói chung và TP nói riêng vào dịp nghỉ tết này”, bác sĩ Hưng nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (trái) kiểm tra sự chuẩn bị phòng chống dịch bệnh do virus corona tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh tối 23/1 |
Sẵng sàng chống dịch trong những ngày Tết, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP cho biết, đã cấp phát hóa chất, tư trang cho các bệnh viện gồm Chloramin B 25%, khẩu trang y tế, khẩu trang N95, trang phục chống dịch, chai dung dịch sát khuẩn nhanh bàn tay cho các bệnh viện, các đội cơ động chống dịch.
Các trung tâm y tế quận, huyện tham gia hệ thống giám sát cộng đồng với trường hợp đi về từ vùng dịch, phát hiện nhanh các ca bệnh có triệu chứng nghi ngờ, đưa về bệnh viện cách ly, điều trị.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP cho biết thêm, đã có kế hoạch sẵn sàng tiếp nhận và cách ly các ca nghi ngờ tại khu vực cách ly bệnh hô hấp, nơi trước đây dùng để cách ly cúm gia cầm, MERS... Bệnh viện trang bị phòng áp lực âm và đầy đủ các thiết bị phòng hộ cá nhân, cập nhật phác đồ của Bộ Y tế với bệnh viêm phổi do virus corona mới.
Các xét nghiệm, chẩn đoán phải do Viện Pasteur thực hiện
“Đối với Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế, nếu có ca bệnh có yếu tố nghi ngờ mắc bệnh đường hô hấp cấp do chủng virus mới là nCoV thì phải chuyển người đến bệnh viện mà Sở chỉ đạo bằng phương tiện xe cấp cứu của Viện 115. Các mẫu xét nghiệm chẩn đoán xác định phải do Viện Pasteur TP thực hiện”, Phó giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Hữu Hưng nhấn mạnh.
Ở tất cả các bệnh viện khác, với những ca bệnh nghi ngờ viêm phổi cấp cũng phải lấy mẫu gửi Viện Pasteur để xét nghiệm khẳng định, đồng thời phải giữ lại cách ly người bệnh. Đối với trường hợp xét nghiệm khẳng định bị viêm phổi cấp do virus mới này thì cơ sở khám chữa bệnh sẽ chuyển người bệnh về các bệnh viện Sở chỉ định để điều trị, theo dõi.
Ngoài ra, cần tư vấn cho người nhà có tiếp xúc người các biện pháp phòng ngừa (cách ly trong vòng 14 ngày) để tránh lây lan trong cộng đồng.
Đối với hệ dự phòng, các trung tâm y tế quận huyện thì sẽ tham gia hệ thống giám sát cộng đồng với trường hợp đi về từ vùng dịch, phát hiện ngay các ca bệnh có triệu chứng nghi ngờ, đưa về hệ thống khám chữa bệnh để cách ly, điều trị.
Phó giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Hữu Hưng chỉ đạo trong thời điểm hiện tại, việc nghỉ tết là rất dài nên các phòng ban, trung tâm phải trực gác nghiêm túc để khi có dịch xảy ra thì trước khi huy động lực lượng tăng cường thì lực lượng tại chỗ phải giải quyết được...
Hướng dẫn của Bộ Y tế Bộ Y tế đã có Hướng dẫn tạm thời giám sát và chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona nCoV. Theo đó, người có các triệu chứng viêm đường hô hấp hoặc nghi ngờ mắc bệnh như sốt, ho, khó thở không nên đi du lịch hoặc đến nơi tập trung đông người. Người chăm sóc bệnh nhân phải thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân như đeo khẩu trang, kính mắt, găng tay, mũ áo... rửa tay với xà phòng sau mỗi lần tiếp xúc với bệnh nhân. Giám sát những người tiếp xúc gần người bệnh, người ngồi cùng hàng hoặc trước sau hai hàng ghế trên cùng một chuyến xe, toa tàu, máy bay, sống trong cùng gia đình... Vệ sinh thông khí, thông thoáng nhà ở, lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật bằng xà phòng hoặc dung dịch khử khuẩn. Các chất tiết đờm hô hấp của bệnh nhân phải được xử lý triệt để bằng dung dịch khử khuẩn có chứa 1,25 Clo hoạt tính... Hai số điện thoại "nóng" được Bộ Y tế công bố để thông tin về bệnh viêm phổi cấp do virus nCoV 0989671115, 0963851919. Bộ khuyến cáo người dân liên hệ đến Cục Y tế dự phòng hoặc cơ quan y tế gần nhất, nếu nghi ngờ viêm phổi hoặc bị viêm phổi. |