Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Nhiều doanh nghiệp bất động sản đứng trước nguy cơ phá sản

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh 7 tháng đầu năm 2019 sụt giảm mạnh, tác động đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Trong đó, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư ngày càng khó mua và khó thuê nhà ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Mới đây, Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, chính sự sụt giảm nguồn cung mới, nhất là loại hình nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền đã khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn, rủi ro rất lớn, thậm chí có doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản. Chưa kể, nguồn thu ngân sách nhà nước từ thị trường bất động sản, từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế cũng bị sụt giảm lớn.
Đối với phần lớn người dân thành phố là người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư ngày càng khó mua nhà, khó thuê nhà ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
 Sự sụt giảm nguồn cung mới đang khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản tại TP Hồ Chí Minh đứng trước nguy cơ phá sản.
Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn TP chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại (mới) được Sở Xây dựng đề xuất UBND TP công nhận chủ đầu tư với quy mô 924 căn hộ, giảm 16 dự án (giảm 84,2%) so với cùng kỳ năm 2018. Sở Xây dựng cũng chỉ đề xuất chấp thuận đầu tư 10 dự án nhà ở thương mại (mới), giảm 46 dự án (giảm 82,2%) so với cùng kỳ năm 2018.
Trong 6 tháng, chỉ có 24 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai, với tổng số 7.313 căn hộ (căn nhà), giảm 10 dự án (giảm 29,4%), giảm 2.336 căn (giảm 24,2%) so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, phân khúc căn hộ cao cấp giảm đến 43,8% (2.227 căn so với 3.965 căn cùng kỳ năm 2018); căn hộ bình dân giảm 34,7% (1.249 căn so với 1.914 căn cùng kỳ năm 2018). Điều đáng quan tâm là quý 2/2019, không có dự án nhà ở bình dân, vừa túi tiền nào được đưa ra thị trường.
Theo HoREA, sự sụt giảm của thị trường bất động sản trong hơn 2 năm qua đang tác động tiêu cực đến nguồn thu ngân sách thành phố hiện nay và có thể cả trong thời gian tới do “độ trễ” của quá trình thực hiện dự án.
Cụ thể, năm 2018, thu ngân sách từ đất khoảng 22.600 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9,32% tổng thu ngân sách. So với năm 2017, giảm khoảng 4.570 tỷ đồng (giảm 16,8%); Số thu tiền sử dụng đất dự án giảm khoảng 4.037 tỷ đồng (giảm 22,5%).
Kết quả thu ngân sách thành phố 6 tháng đầu năm 2019 là 133.744 tỷ đồng chỉ đạt 46,08% dự toán thu cả năm. Trong đó, số thu tiền sử dụng đất tiếp tục xu thế sụt giảm, giảm đến khoảng 60% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng tổng số tiền nợ thuế tại thành phố lên đến 13.545 tỷ đồng, tăng gần 52% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, riêng khoản nợ thuế liên quan đến đất đai là 3.401 tỷ đồng, chiếm 25,1% tổng số nợ thuế, tăng 1,5 lần so với thời điểm cuối năm 2018.
Nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào 26 dự án bất động sản của TP, với vốn đăng ký 225,9 triệu USD, chiếm 42,7% tổng vốn FDI.
Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châub nhận định: “Dù nguồn vốn FDI đầu tư vào bất động sản đứng vị trí thứ nhất, nhưng chỉ có tính nhất thời chưa đến mức phải quan ngại vì số vốn đăng ký chưa phải quá lớn và nhiều năm qua lĩnh vực bất động sản thường đứng thứ 3 hoặc thứ 2 trong thu hút nguồn vốn FDI”.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP đạt 2,15 triệu tỷ đồng, trong đó, dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại đạt 1,12 triệu tỷ đồng, chiếm 52,18% tổng dư nợ, tăng 7,5% so với cuối năm 2018 (cao hơn mức tăng 7,1% của cả nước).
Tín dụng bất động sản tăng thấp hơn, chỉ tăng 6,7% và chiếm khoảng 10,82% tổng dư nợ tín dụng. Điều này phù hợp với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản, dẫn đến các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư và cả người mua nhà đều khó tiếp cận vốn tín dụng hơn trước đây.
Để tìm kiếm các nguồn vốn thay thế dần nguồn vốn tín dụng ngân hàng, ngoài việc mở rộng hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài (vốn FDI), hoặc tìm kiếm nguồn vốn trên sàn chứng khoán, doanh nghiệp bất động sản đang lựa chọn giải pháp phát hành trái phiếu doanh nghiệp để bổ sung vốn.
Nhằm khắc phục tình hình hiện tại, HoREA kiến nghị sớm xem xét giải quyết một số vướng mắc, ách tắc đối với các dự án nhà ở thương mại từ đó khai thông thị trường bất động sản.
Về ách tắc thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án nhà ở thương mại: HoREA đề nghị UBND TP chỉ đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc thụ lý, giải quyết hồ sơ đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 do “nhà đầu tư” dự án đề xuất, sau khi đã có Quyết định chủ trương đầu tư của UBND TP, để chủ đầu tư có cơ sở thực hiện thủ tục công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại và các thủ tục về quyền sử dụng đất dự án.
Về ách tắc thủ tục công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại không có 100% đất ở: Hiệp hội đề xuất, Bộ Xây dựng thống nhất với đề nghị của UBND TP theo hướng: Nếu đã được xác định là đất ở trong đồ án quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc đã có văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để triển khai dự án xây dựng nhà ở hoặc đã được ghi trong quyết định thu hồi đất khi thực hiện giải phóng mặt bằng là để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì diện tích đất đó được coi là đất ở.
Khi nhà đầu tư có quyền sử dụng đất ở hợp pháp theo quy định của pháp luật về đất đai và có đủ điều kiện, năng lực làm chủ đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh BĐS thì được xem xét chỉ định chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại theo quy định của Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 và Nghị định 99/2015/NĐ-CP.