Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh phát triển sản xuất nông nghiệp tích hợp đa giá trị

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sản xuất nông nghiệp tích hợp đa giá trị (SXNN THĐGT) tạo ra giá trị tăng thêm dựa trên nguồn lực khoa học công nghệ, chuyển đổi số, thay cho tăng trưởng dựa trên thâm dụng lao động, thâm dụng tài nguyên thiên nhiên…, nhiều năm qua tại TP Hồ Chí Minh phát triển mô hình này.

Ban Tuyên giáo Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp tuyên truyền, vận động hội viên nông dân phát triển SXNN THĐGT”.

Đại biểu dự hội thảo.
Đại biểu dự hội thảo.

Ông Phạm Văn Nghiêu, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Hội Nông dân Việt Nam cho biết, tại Hội nghị lần thứ năm ngày 16/6/2022 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Từ Nghị quyết số 19 nêu trên, và nhiều Nghị quyết khác của Chính phủ, Hội Nông dân Việt Nam phê duyệt đề tài “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp tuyên truyền, vận động hội viên nông dân phát triển SXNN THĐGT”.

Tại hội thảo, Giám đốc Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Lượng có tham luận “Kết quả thực hiện mô hình sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp tiêu biểu vừa khai thác giá trị nông nghiệp, vừa khai thác giá trị du lịch, môi trường và các giá trị khác”.

Ông Nguyễn Văn Lượng cho biết, hiện nay TP Hồ Chí Minh có nhiều mô hình SXNN THĐGT.
Ông Nguyễn Văn Lượng cho biết, hiện nay TP Hồ Chí Minh có nhiều mô hình SXNN THĐGT.

Theo ông Lượng, THĐGT là tạo ra giá trị gia tăng tối ưu trên một đơn vị diện tích canh tác, trong điều kiện đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, dựa trên khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học công nghệ (KHCN), chuyển đổi số, thay cho thực trạng ngành nông nghiệp tăng trưởng dựa trên thâm dụng lao động, thâm dụng tài nguyên thiên nhiên…

Để phát huy được thế mạnh nội lực, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều quyết định về phát triển nông nghiệp đô thị giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hiện nay, TP có nhiều mô hình SXNN THĐGT, như: mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) sử dụng hoàn lưu thủy canh trong sản xuất rau sạch của các Hợp tác xã (HTX) Tuấn Ngọc, Phước An, Phước Lộc…; mô hình du lịch trải nghiệm gắn với giáo dục nghề nghiệp, du lịch cộng đồng và du lịch lịch sử của các xã ở huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ…

Còn Liên minh HTX TP có tham luận “Thực trạng phát triển HTX, tổ hợp tác (THT) trong lĩnh vực nông nghiệp; vai trò của HTX, THT đối với phát triển SXNN THĐGT”. Thời gian qua, mô hình HTX nông nghiệp tại TP đã thể hiện được vai trò là cầu nối hiệu quả trong việc tiếp thu, hướng dẫn ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi cây trồng, vật nuôi chủ lực của TP.

Nhằm đưa kinh tế tập thể, HTX thực sự là thành phần kinh tế quan trọng, góp phần cùng kinh tế Nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân, Liên minh HTX TP đã phối hợp với sở, ngành, địa phương triển khai chính sách hỗ trợ cho các HTX theo Nghị quyết vừa được HĐND TP thông qua về hỗ trợ kinh phí ăn ở cho học viên, hỗ trợ lương đưa lao động trẻ về làm việc tại HTX, liên hiệp HTX giai đoạn 2024-2025. Dự kiến từ tháng 8/2024, Liên minh HTX thực hiện chính sách này.

Ông Lâm Ngọc Tuấn khẳng định, áp dụng CNC trong SXNN sẽ giảm chi phí, tăng năng suất và đảm bảo ATTP.
Ông Lâm Ngọc Tuấn khẳng định, áp dụng CNC trong SXNN sẽ giảm chi phí, tăng năng suất và đảm bảo ATTP.

Ngoài ra, HTX Tuấn Ngọc còn áp dụng quy trình sản xuất khép kín từ khâu gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch đến đóng gói và phân phối sản phẩm. Mỗi giai đoạn đều tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng và ATTP. Với việc ứng dụng công nghệ thủy canh và IoT, đã giúp cây trồng phát triển nhanh và tăng năng suất so với phương pháp truyền thống.

Về chất lượng, do rau được trồng trong môi trường kiểm soát nghiêm ngặt, không sử dụng hóa chất độc hại, đáp ứng các tiêu chuẩn ATTP đã làm tăng giá trị sản phẩm. Khi áp dụng CNC sẽ giảm chi phí lao động, đem lại lợi nhuận ổn định và bền vững cho HTX.

Theo ông Lâm Ngọc Tuấn, phát triển SXNN THĐGT đem lại nhiều lợi ích, nhưng cũng tồn tại một số vấn đề cần phải giải quyết để duy trì và nâng cao hiệu quả mô hình này. Đơn cử, chi phí đầu tư ban đầu cao (hệ thống thủy canh, IoT), do đó rất cần nguồn vốn hỗ trợ từ các quỹ phát triển nông nghiệp và các khoản vay ưu đãi từ ngân hàng.