Tính đến hôm nay (5/9), TP Hồ Chí Minh đã bước vào ngày thứ 14 thực hiện siết chặt giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó” (từ ngày 23/8 - 6/9). Vậy, với những kết quả đang có, TP cần làm gì để đạt mục tiêu kiểm soát dịch Covid-19 từ 15/9?
Số ca mắc Covid-19 gia tăng
Cuối tháng 4/2021, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bùng phát và diễn biến nhanh chưa từng có tại TP Hồ Chí Minh. So với 3 lần bùng phát dịch trước, ngành y tế TP xác định đợt dịch lần này có diễn biến phức tạp, khả năng sẽ kéo dài vì xuất hiện nhiều biến chủng mới với khả năng lây nhanh, rộng hơn, mạnh hơn. Đó là lý do khiến số ca mắc Covid-19 mới liên tục tăng, xâm nhập vào khu công nghiệp, bệnh viện, chợ đầu mối… dù TP liên tục thực hiện nhiều đợt giãn cách ở các cấp độ khác nhau.
Cụ thể, ngày 31/5, TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ trong vòng 15 ngày, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Tiếp tục, ngày 15/6, TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 từ 0 giờ cùng ngày, thời điểm này TP ghi nhận 30 ca mắc Covid-19.
Đến tối 19/6, UBND TP đã ra Chỉ thị số 10/CT-UBND về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.
Ngày 28/6, TP có quyết định tiếp tục áp dụng Chỉ thị 10 sau ngày 30/6.
Giai đoạn đầu từ tháng 4-7/2021, TP mất 51 ngày để vượt ngưỡng 1.000 ca nhiễm (từ 27/4 đến 16/6). Cứ khoảng mỗi 4 ngày, số ca mắc lại tăng từ 2.000 lên 3.000, rồi 3.000 lên 4.000. Tuy nhiên, chỉ trong 2 ngày từ 1-3/7, TP nhanh chóng vượt mốc 5.000 ca mắc Covid-19.
Đến ngày 9/7, TP áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên toàn TP. Thời điểm ngày 9/7, TP ghi nhận 1.229 ca mắc Covid-19.
Từ 0 giờ ngày 2/8, TP tiếp tục giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 thêm 14 ngày.
Ngày 23/8, TP thông báo siết chặt giãn cách “ai ở đâu ở yên đó”, với mục tiêu đến 15/9 cơ bản khống chế dịch bệnh Covid-19.
Tuy nhiên đến hôm qua (3/9), TP ghi nhận số ca mắc Covid-19 kỷ lục 8.499 ca trong 24 giờ, cho thấy dịch đã “ngấm sâu” trong cộng đồng dù liên tục các đợt giãn cách được thực hiện. Hiện với hơn 240.000 bệnh nhân Covid-19, TP Hồ Chí Minh là địa phương có số ca mắc cao nhất cả nước.
Đặc biệt, vào lúc 0 giờ ngày 4/9, theo ghi nhận bản đồ Covid-19 của TP cho thấy, vẫn còn biểu hiện đậm đặc ca dương tính và khu vực có điểm phong tỏa trên địa bàn TP. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho công tác dập dịch những ngày sắp tới, sau khi TP hoàn thành kế hoạch siết chặt giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó” (từ ngày 23/8 – 6/9).
Nới lỏng giãn cách theo từng khu vực, từng đối tượng?
Đây là kịch bản mà bác sĩ Trương Hữu Khanh - nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, khi được hỏi về phương án mà TP nên thực hiện sau ngày 6/9.
Trong trường hợp TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội, Công an TP sẽ có phương án thuận tiện nhất cho người dân về thủ tục cấp giấy đi đường. Ảnh: Ngọc Huân |
“Không thể tiếp tục siết chặt giãn cách, điều này sẽ bóp chết cả doanh nghiệp và người dân. Theo tôi, TP nên nới lỏng giãn cách theo từng khu vực, từng đối tượng. Việc làm này tương tự như lúc mới giãn cách, TP cấm một số dịch vụ, chỉ cho 1 số dịch vụ thiết yếu được hoạt động. Thì bây giờ thay vì áp cho từng ngành nghề, TP sẽ áp dụng cho từng đối tượng (đã tiêm vaccine 1 mũi hoặc 2 mũi); từng khu vực (vùng xanh, vùng đỏ, vàng cam..)” – bác sĩ Khanh nói.
Mặc dù khẳng định, về nguyên tắc, khi có miễn dịch cộng đồng, miễn dịch vaccine, thì phải lùi lại chờ đến khi có miễn dịch hoàn hảo thì mới có thể mở cửa an toàn. Tuy nhiên, bác sĩ Khanh nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, sức chịu đựng của người dân đã vượt ngưỡng sau nhiều ngày dài giãn cách, để yên lòng dân và từng bước khôi phục kinh tế, TP nên và cần thực hiện nới lỏng giãn cách trong những ngày tới.
“Quan trọng là phân loại được đâu là nhóm nguy cơ và đâu là nhóm không nguy cơ. Chẳng hạn, với nhóm người tiêm 1 mũi vaccine sau 14 ngày, lọc ra những người trẻ nguy cơ ít cho họ hoạt động song song tuân thủ phòng dịch. Tương tự, nhóm người tiêm 2 mũi vaccine cũng phải phân loại, người già, người có bệnh nền tiếp tục giãn cách, chỉ người trong độ tuổi lao động mới được hoạt động. Thậm chí, trong nhóm người vừa hết bệnh Covid-19, cũng sẽ có tỷ lệ không nguy cơ, cũng nên tận dụng cho họ được hoạt động trở lại” – bác sĩ Khanh nói thêm.
Đặc biệt, bác sĩ Khanh nhấn mạnh, từ cuối tháng 4 đến nay, TP gần như ngưng hoạt động kinh tế, tập trung chống dịch. Vì vậy, nếu sau ngày 6/9, TP tiếp tục siết chặt giãn cánh chờ phủ đủ vaccine thì lòng dân và doanh nghiệp sẽ bất an. Nguyên nhân bác sĩ Khanh đưa ra là vì kế hoạch phủ vaccine toàn TP sẽ không kịp hoàn thành trước ngày 15/9. Do đó, để khôi phục kinh tế giai đoạn cuối năm, phương án nới lỏng giãn cách trong tâm thế phòng dịch là phù hợp nhất với TP Hồ Chí Minh lúc này.
“Lộ trình tiêm vaccine thời gian tới của TP được chia theo 4 giai đoạn, bắt đầu từ ngày 29/8 đến ngày 31/12/2021, với tổng số lượng vaccine cần sử dụng khoảng hơn 8 triệu liều (trong đó, mũi 1 khoảng 1,4 triệu liều, mũi 2 khoảng 6,7 triệu liều). Như vậy, để chờ TP bao phủ vaccine, về lý thuyết phải đến ngày 31/12/2021 mới có thể đạt được. Tuy nhiên, kết quả này cũng chỉ là về mặt lý thuyết, vì để thực hiện suôn sẻ còn phải phụ thuộc vào nguồn vaccine do Bộ Y tế phân bổ. Chưa kể, việc liên tục giãn cách mà không đi đến 1 kết quả cụ thể nào dễ khiến người dân nản lòng. Tôi kiến nghị, thay vì đợi hết năm để chính thức mở cửa, TP hoàn toàn có thể nởi lỏng giãn cách từng bước, từng bước hoà nhập” - Bs Khanh nói.
Dùng quận 7 thí điểm bình thường mới?
Ngành y tế TP Hồ Chí Minh kêu gọi người dân tự xét nghiệm test nhanh để tăng tiến độ kiểm soát dịch Covid-19. Ảnh: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. |
Ngày 5/9, liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên chia sẻ sự phấn khởi, vui mừng khi quận 7 và huyện Củ Chi là 2 địa bàn đầu tiên tại TP đã kiểm soát được dịch Covid-19.
Tuy nhiên, chỉ đạo kế hoạch mở cửa thời gian tới, ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh trước mắt, quận 7 tiếp tục thực hiện nghiêm việc đang làm là siết chặt giãn cách theo Chỉ thị 16 một cách triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả.
Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, sứ mệnh tiếp theo của quận 7 và huyện Củ Chi là làm thí điểm cho tiến trình trở lại cuộc sống bình thường mới theo chỉ đạo của Trung ương cũng như mong muốn của người dân Thành phố.
Người đứng đầu Thành ủy khẳng định việc nới lỏng giãn cách phải từng bước chắc chắn, không được "phiêu lưu" bởi sẽ phải trả giá đắt.
Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh dù có quét sạch được F0 trên địa bàn, thì việc bảo đảm giữ vững mạng lưới trong sạch như trước kia là cực kỳ khó khăn khi các tỉnh xung quanh cũng có dịch Covid-19.
Ông yêu cầu quận 7 suy nghĩ, chuẩn bị giải pháp để thí điểm bình thường mới. TP sẽ rút kinh nghiệm từ thực tiễn rồi nhân rộng ra để bước từng bước chắc chắn. Làm trên 10 triệu dân Thành phố thì khó nhưng nếu làm trên 300.000 người dân quận 7 trước thì không khó. "Không được chủ quan, nếu chủ quan, buông một chút xíu thì có vấn đề gì là trở tay không kịp, mất sức lắm, công sức bỏ ra nhiều lắm rồi" - Bí thư Nguyên Văn Nên chỉ đạo.