Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Quản lý chất lượng thịt lợn bằng công nghệ

Sông Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công tác quản lý chất lượng thịt lợn đang gặp khó khăn dù TP Hồ Chí Minh đã có Đề án truy xuất nguồn gốc thịt lợn. Nguyên nhân là do công tác phối hợp còn lỏng lẻo và đa số các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa tham gia Đề án này vì không thể tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin vào chăn nuôi.

Ngày 5/5, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức sơ kết 4 tháng triển khai thực hiện đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thị lợn. Theo đó, đề án này có 1.131 cơ sở chăn nuôi đăng ký tham gia. Cụ thể, TP Hồ Chí Minh có 42 cơ sở; Đồng Nai có 424 cơ sở; Bình Dương có 211 cơ sở; Tiền Giang có 136 cơ sở; Bến Tre có 108 cơ sở; Trà Vinh có 71 cơ sở; Bình Phước có 65 cơ sở; Bình Thuận có 15 cơ sở…
 
Từ khi Đề án được triển khai đến nay, đã có 123/1.131 (chiếm 11%) cơ sở chăn nuôi thực hiện đeo vòng nhận diện khi bán lợn với số lượng trên 251.000 (chiếm 69%) con lợn và 55 thương lái thực hiện đeo vòng nhận diện khi bán trên 114.000 (chiếm 31%) con. Như vậy, lượng cơ sở chăn nuôi tham gia so với số đã đăng ký rất thấp (chiếm khoảng 11%). Số lượng lợn đeo vòng do cơ sở thực hiện đạt 69%, phần còn lại 31% do thương lái thực hiện.

Trong 123 cơ sở chăn nuôi tham gia đề án này có 25% là trang trại chăn nuôi thuộc các doanh nghiệp FDI, cung cấp hơn 130.000 (chiếm 52%) con lợn. Các trang trại chăn nuôi thuộc các Tổng công ty, các doanh nghiệp và các chủ trang trại chiếm 40%, cung cấp trên 140.000 (chiếm 41%) con heo. Các hộ chăn nuôi, tổ hợp tác chiếm 35%, cung cấp 17.000 (chiếm 7%) con heo…

Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cũng nhận đăng ký tham gia đề án của 25 cơ sở giết mổ tại TP và các tỉnh. Trong đó, TP Hồ Chí Minh có 10 cơ sở; Đồng Nai có 8 cơ sở. Long An có 5 cơ sở; Bình Dương và Tây Ninh có 1 cơ sở.
 
Như vậy, số cơ sở thực tế tham gia so với đăng ký tại tất cả các địa phương đều thấp. Điều này cho thấy số hộ chăn nuôi, tổ hợp tuy chiếm 35% số lượng cơ sở nhưng chỉ cung cấp 7% số lượng lợn. Trong khi đó các doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 25% nhưng cung cấp đến 51% số lượng lợn.

Theo đánh giá chung, Đề án được triển khai thuận lợi và đạt hiệu quả cao do hoạt động chăn nuôi, giết mổ và cung cấp thịt lợn vào hệ thống được chuẩn hóa cao. Số điểm bán có truy xuất nguồn gốc thịt lợn hiện có 447 siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm tại thành phố và các tỉnh, chợ đầu mối Hóc Môn, chợ Bình Điền và 23 chợ truyền thống, với 146 gian hàng kinh doanh thịt heoVissan. Có thể kể đến các điểm bán điển hình như: Siêu thị Co.opmart, Co.opfood, Satrafood, Aeon Citimart, Aeon Mall VN, Auchan…
 
Tuy nhiên, hệ thống phân phối truyền thống đã gặp khó khăn do số đối tượng tham gia hoạt động chăn nuôi, thu mua, giết mổ, phân phối lợn và thịt lợn… phần lớn là hộ gia đình, tiểu thương kinh doanh nhỏ lẻ tham gia mua bán tự phát, không bị ràng buộc phải tuân thủ các quy trình đảm bảo quy trình VietGap.

Tại buổi sơ kết, các đại biểu cho rằng, sự phối hợp giữa các ngành chức năng thiếu đồng bộ, chặt chẽ dẫn đến tình trạng thông tin từ khâu chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển khó truy xuất nguồn gốc. Vả lại, Đề án vẫn chưa có quy định chế tài, xử phạt các trường hợp vi phạm nên khó kiểm soát chất lượng thịt lợn đầu vào.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho biết, TP đánh giá cao và hoan nghênh nỗ lực của các ngành, địa phương cùng các DN, cơ sở tham gia Đề án truy xuất nguồn gốc thịt lợn. Đây không phải là hoạt động đơn thuần về kỹ thuật, kinh doanh, mà là về nhận thức. Nếu thịt lợn không đạt chất lượng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng và xuất khẩu. TP có chủ trương và lộ trình thực hiện Đề án rất rõ ràng, để mang đến nguồn thực phẩm sạch, an toàn sức khỏe.

Ông Tuyến nói thêm, cái khó là phải hài hòa lợi ích của các cơ quan, tổ chức, DN, cơ sở và cá nhân tham gia Đề án. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra chất lượng phải chặt chẽ, để tránh lãng phí. TP cũng tiếp tục hỗ trợ từ 50-100% kinh phí thực hiện Đề án, đồng thời phối hợp với các tỉnh để trang bị thiết bị, chi phí Wifi, 3G và chi phí tập huấn…

Box: Vấn đề khủng hoảng của ngành chăn nuôi lợn thời gian qua đã cho thấy những hạn chế lớn. Đó là sự mất cân đối cung – cầu. Sau nữa là khủng hoảng về niềm tin đối với chất lượng. Người tiêu dùng chỉ hưởng ứng lời kêu gọi “cứu giá” thịt lợn khi họ tin rằng sản phẩm an toàn cho sức khỏe. Tại TP Hồ Chí Minh, thịt lợn chất lượng vẫn tiêu thụ tốt và được giá. Còn thịt lợn kém chất lượng sẽ không thể nhập vào thị trường rộng như TP, mà phải tiêu thụ tại chỗ. Cho nên muốn ngành chăn nuôi lợn thoát khỏi khủng hoảng và phát triển bền vững thì chất lượng phải được ưu tiên hàng đầu.