TP Hồ Chí Minh quyết tâm lấy lại vỉa hè bằng mọi giá

Nguyễn Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TP Hồ Chí Minh đang quyết tâm lấy lại vỉa hè bị tái chiếm bằng nhiều giải pháp. Nhưng việc lấy lại vỉa hè có hiệu quả hay không còn tùy thuộc vào sự kết hợp với chính sách an sinh xã hội với người nghèo đang mưu sinh bám víu lấy vỉa hè…

Chiều 24/5, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp bàn về tổ chức lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường. Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã nghe lãnh đạo của 24 quận, huyện và các sở ban ngành báo cáo kết quả thực hiện công tác đảm bảo trật tự lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP từ đầu năm đến nay.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong chỉ đạo trong phiên họp tổng kết.
Tại cuộc họp, Phó trưởng ban chuyên trách Ban an toàn giao thông TP Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Tường cho biết, sau cuộc ra quân, xử lý vi phạm trật tự vỉa hè, lòng lề đường quyết liệt của Quận 1, trật tự lòng lề đường có chuyển biến hơn so với trước. Cụ thể, nhiều tuyến đường thông thoáng, mua bán lấn chiếm một số nơi được sắp xếp ổn định. Các quận huyện tạo được chuyển biến tốt như: Quận 1, quận 2, quận 3, quận 4, quận 6 , quận 7, quận Tân Phú, quận Thủ Đức...
Tuy nhiên, tình trạng mua bán lấn chiếm lòng lề đường, các chợ tự phát vẫn tái diễn nhiều nơi; các tuyến đường có xe đậu xe dưới lòng lề đường chưa được xử lý nghiêm túc; tình trạng xe máy chạy trên vỉa hè, ảnh hưởng cho người đi bộ chưa được xử lý dứt điểm và vẫn còn tình trạng xe thô sơ buôn bán dưới lòng lề đường tại một số quận, huyện. Nhiều tuyến đường có vỉa hè bị lấn chiếm ban đêm để mở quán nhậu như đường Hoàng Sa (thuộc quận 3 và quận Tân Bình, quận 1), đường Phạm Văn Đồng (đoạn thuộc hai quận Bình Thạnh và Gò Vấp); đường Song hành quốc lộ 22 (huyện Hóc Môn)...
Theo ông Tường, để việc “lấy lại vỉa hè” có kết quả tốt, TP cần thực hiện chính sách an sinh xã hội với các đối tượng có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, dân nhập cư hiện đang mưu sinh bằng việc chiếm dụng lòng lề đường để bán hàng rong như giúp đỡ, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề.
Đánh giá công tác quản lý trật tự vỉa hè, lòng lề đường trên địa bàn, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho rằng: “Một số quận, huyện triển khai thực hiện chỉ đạo của Thành ủy và UBND TP chưa nghiêm nên mới dẫn tới tình trạng vỉa hè bị tái chiếm. Sắp tới, các quận, huyện phải xem lại việc quản lý trật tự vỉa hè, lòng lề đường, tránh hành động theo kiểu “giơ cao đánh khẽ”. Các địa phương cũng cần phải tiến hành một cách chậm rãi, khoa học. Phải chuyển biến nhận thức trước rồi mới điều chỉnh hành vi của người dân. Có như vậy mới đạt kết quả như mong muốn”.
Ông Phong yêu cầu 24 quận, huyện phải tiếp tục lập lại trật tự vỉa hè. Đây là việc chung của TP. “Nói hay mà làm không tốt sẽ khiến dư luận, người dân càng thêm bức xúc”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh. Dù chủ trương chia sẻ với người dân mưu sinh trên vỉa hè nhưng Chủ tịch Nguyễn Thành Phong vẫn yêu cầu các lực lượng chức năng phải kiên quyết, không nên xem vỉa hè là nơi giải quyết công ăn việc làm hay thoát nghèo.
“Vì vậy, các quận, huyện phải xử lý nghiêm tình trạng tái chiếm vỉa hè cũng như sai phạm trong quá trình lập lại trật tự. Cách xử lý cũng phải phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Khu vực trung tâm như quận 1 thì phải khác với huyện Củ Chi nên công tác quản lý cần linh hoạt trong cách thực hiện”, ông Nguyễn Thành Phong nói.
Đặc biệt, ông Phong thể hiện sự quyết tâm khi cho biết sẽ chỉ đạo 3 tháng họp với các quận, huyện một lần để kiểm điểm, chỗ nào chưa làm được thì rút kinh nghiệm và xử lý dứt điểm. Đồng thời, các quận huyện phải liên tục tái lập trật tự lòng lề đường, nhất là tại điểm “đen” như trường học, chợ, bệnh viện, công viên...
Trong 5 tháng đầu năm 2017, Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Thanh tra Sở giao thông vận tải phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, công an các quận, huyện kiểm tra, xử lý 1.100 trường hợp dừng đỗ xe không đúng quy định, hoạt động bến bãi trái phép, gây mất trật tự an toàn giao thông và vệ sinh, mỹ quan đô thị với số tiền xử phạt trên 1,3 tỷ đồng.