TP Hồ Chí Minh sau 3 ngày tăng cường giãn cách: Nhiều hoạt động bắt đầu vào nếp

Huy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lưu lượng giao thông giảm mạnh. Việc chăm lo cho đời sống người dân gặp khó khăn được quan tâm hơn, đồng bộ hơn. Công tác tiêm vaccine được đẩy mạnh. Đó là những nhận định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, sau 3 ngày TP Hồ Chí Minh tăng cường các biện pháp giãn cách.

Đẩy mạnh tiêm vaccine, chăm lo đời sống người dân

Chiều 25/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo, cung cấp thông tin về công tác phòng chống dịch, chăm lo đời sống cho người dân trong thời gian tăng cường giãn cách xã hội.

Ông Phạm Đức Hải – Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh cho biết, thực hiện công tác xét nghiệm trên diện rộng tại các "vùng đỏ", "vùng cam" từ 18 giờ ngày 23/8 đến 18 giờ 24/8, ngành chức năng của TP Hồ Chí Minh đã lấy được 317.389 mẫu, trong đó có 7.025 mẫu đơn và 5.235 mẫu gộp. TP Hồ Chí Minh sẽ cố gắng tận dụng thời gian tăng cường giãn cách để tiếp tục đẩy mạnh công tác xét nghiệm, nhằm nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.

 Đến nay TP Hồ Chí Minh đã chích được hơn 5 triệu liều vaccine ngừa Covid-19
Về tiêm vaccine phòng Covid-19: Đến ngày 24/8, TP Hồ Chí Minh đã tiêm được 5.568.991 mũi vaccine cho người dân từ đủ 18 tuổi trở lên, trong đó số mũi 1 là 5.346.793, mũi 2 là 222.198.
Về chính sách hỗ trợ cho người gặp khó khăn, ông Phạm Đức Hải cho biết, ngày 24/8, HĐND TP Hồ Chí Minh đã thông qua chính sách đặc thù hỗ trợ, động viên cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch tại TP. Cụ thể, cao nhất là lực lượng tuyến đầu 10 triệu đồng/người; thấp nhất là 1,5 triệu đồng người.

Trung tâm An sinh TP đã vận động được trên 1.861.000 túi quà an sinh (300.000 đồng/phần gồm sữa, mì gói, đồ hộp, dầu ăn, bánh, xúc xích…); đã chuyển 492.076 phần quà về các địa phương để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch; từ nay đến ngày 6/9 dự kiến sẽ chuyển hết phần còn lại. TP sẽ tiếp tục vận động các nguồn lực để chuẩn bị cho đủ 2 triệu túi an sinh.

Gần 7% hộ gia đình chọn đi chợ hộ

Theo ông Phạm Đức Hải, hiện người dân không được ra khỏi nhà để đi chợ, các cửa hàng tiện lợi và đa số các chợ đã đóng cửa. Còn một số ít chợ đang hoạt động chủ yếu phục vụ nhu cầu đi chợ thay. Các siêu thị cũng tạm dừng các hoạt động bán lẻ trực tiếp và chỉ còn tổ chức bán hàng theo cách thức duy nhất là soạn đơn theo yêu cầu. Các "gói combo" được thiết kế dựa trên nhu cầu cơ bản của người dân và giao qua tổ đặc biệt của các phường, xã để cung ứng hàng hóa cho người dân.

Mỗi ngày, tổ cung ứng hàng hóa ở các phường xã đã tổ chức đi chợ hộ cho khoảng 20% hộ dân có nhu cầu. Trong các ngày 23 và 24/8, trên địa bàn 21 quận huyện và TP Thủ Đức đã có 138.638 hộ dân đăng ký nhờ địa phương đi chợ hộ/2.183.247 hộ dân toàn TP (chiếm 6,35%).

"Nhìn chung, hàng hóa đảm bảo phục vụ đầy đủ nhu cầu của người dân và giá cả tại các siêu thị không có biến động mạnh" - ông Phạm Đức Hải cho biết thêm.

Trước một số ý kiến cho rằng, giá hàng hoá được bán theo combo là khá cao, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Hiện hệ thống phân phối cung ứng hàng cho người dân đa số tham gia bình ổn thị trường nên đều bình ổn giá.
"Tất cả đều là chuỗi thương hiệu nên có sự cạnh tranh. Nếu tự ý tăng giá sẽ rất khó khăn để cạnh tranh so với đối thủ. Sở Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi, nếu có khó khăn, kiến nghị, sẽ nghiên cứu và tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp" - ông Phương nói.
 Lưu lượng giao thông giảm gần 90%

Trong ngày 25/8, theo số liệu đo đếm trên 48 tuyến đường chính của TP Hồ Chí Minh cho thấy, lượng người và xe tham gia giao thông giảm 89,3% so với trung bình ngày thường và giảm 2% so với cùng thời điểm ngày 24/8.

 Công tác kiểm soát lưu lượng giao thông được thực hiện rất nghiêm ngặt.
Ông Phạm Đức Hải nhận định: “Không phải lưu lượng giảm tối đa là tốt, vẫn phải có lượng phương tiện ra đường, phục vụ công tác chống dịch và các nhiệm vụ quan trọng khác. Lưu lượng giao thông giảm đến 89,3% là một cố gắng lớn và quá tốt".

Một vấn đề được báo chí quan tâm đó là, một số trường hợp xe có mã QR vẫn bị làm khó tại chốt kiểm tra. Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho biết: Công an TP đã ghi nhận, có xảy ra hiện tượng đúng như trong phản ánh. "Theo quy định, xe đã được cấp mã QR thì được phép lưu thông, không được làm khó. Công an TP đã tổ chức họp, rút kinh nghiệm và yêu cầu các chốt thi hành đúng quy định đề ra" - ông Lê Mạnh Hà thông tin.
Về vấn đề số lượng giấy đi đường được cấp ít hơn nhu cầu thực tế, ông Lê Mạnh Hà cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ và UBND TP, phải kiểm soát nghiêm, ai ở đâu thì ở đó, Công an TP được ủy quyền cấp giấy, vì vậy phải rất cân nhắc, đảm bảo giãn cách nghiêm ngặt.
"Số người đi ra đường phải thực sự là thực thi công vụ, chỉ cấp cho người thực sự cần thiết. Có tình trạng doanh nghiệp đề xuất 50-60 người, nhưng thực tế không cần thiết nhiều như vậy. Nếu thực sự cần thiết thì chúng tôi sẽ báo cáo Ban Giám đốc để xem xét việc cấp giấy đi đường" - ông Lê Mạnh Hà nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần