TP Hồ Chí Minh: Sẽ không tái diễn tình trạng ùn ứ ở các chốt kiểm soát

Huy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong buổi họp báo tối 12/7, đại diện UBND quận Gò Vấp và Sở Giao thông Vận tải (GTVT) cam kết sẽ không tái diễn tình trạng ùn ứ người tại các chốt kiểm soát.

Chỉ 1/322 điểm chốt chặn xảy ra ùn ứ
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Chí Dũng - Chủ tịch UBND quận Gò Vấp cho biết, số ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn tăng mạnh, đến nay ghi nhận 528 ca, gấp 3 lần số ca nhiễm của đợt giãn cách trước đây (quận Gò Vấp là địa phương áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, 2 lần) là 129 ca.
Thực hiện đợt giãn cách xã hội theo kế hoạch 2279 của TP, quận Gò Vấp đã tái lập 12 chốt kiểm kiểm soát ra vào quận. Trong 2 ngày đầu, tình hình khá bình thường, không có ùn tắc tại các chốt kiểm soát.
Sáng 12/7, ngày thứ 2 đầu tuần, đã có tình trạng ùn ứ người tại 2 chốt kiểm soát, đặc biệt tại chốt kiểm soát trên đường Nguyễn Kiệm, ùn trên 30 phút. Sau khi nắm bắt tình hình, lực lượng chốt chặn đã linh hoạt xả chốt, đến 8 giờ 30 phút tình hình trở lại bình thường.
 Ùn tắc ở chốt kiểm soát trên đường Nguyễn Kiệm, quận Cò Vấp sáng ngày 12/7. Ảnh: VNE
Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT cho biết, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 322 chốt kiểm tra được dựng lên, chỉ có 1 chốt trên đường Nguyễn Kiệm xảy ra tình trạng ùn ứ. Đường Nguyễn Kiệm khá nhỏ, lại là điểm giao của nhiều luồng giao thông nên đã xảy ra sự việc ùn ứ.
Ông Trần Quang Lâm cam kết: “Ngành giao thông và các địa phương đã phối hợp xử lý để không tái diễn tình trạng ùn ứ tại các điểm chốt chặn kiểm tra bằng cách linh hoạt điều chỉnh vị trí chốt chặn, chọn vị trí phù hợp hơn. Riêng đối với quận Gò Vấp và quận 12, có nhiều đường trục chạy xuyên qua, sẽ có hướng xử lý để không tái diễn tình trạng ùn ứ trong những ngày đến”.
Ông Từ Lương - Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông cho biết, tính từ 0 giờ ngày 9/7 đến 17 giờ ngày 12/7, các lực lượng đã tiến hành 7.305 cuộc kiểm tra, xử phạt 1.243 vụ, số tiền phạt hơn 3 tỷ đồng.
Không có tình trạng nâng giá ở hệ thống phân phối hiện đại
Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, tính đến ngày 12/7 chỉ còn 68/237 chợ truyền thống còn hoạt động. 169 chợ bị đóng cửa, một phần do chợ có ca F0, một phần đóng cửa do địa phương đánh giá không đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Ngoài ra, còn có 3 chợ đầu mối và 4 siêu thị lớn phải ngưng hoạt động. Tại một số nơi, một số thời điểm thiếu hàng, giá cả tăng.
Cũng theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Sở Công Thương đã lên kế hoạch cung cứng hàng hoá, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tuy nhiên do các địa phương lân cận cũng đang trong tình trạng chống dịch căng thẳng nên nguồn hàng từ các tỉnh về TP có gặp khó khăn. Nhìn chung, đến thời điểm hiện nay, nguồn cung hàng hóa với số lượng lớn cho các hệ thống phân phối hiện tại vẫn đảm bảo, nguồn dự trữ hàng hoá vẫn đảm bảo...
Hệ thống cung ứng hàng hóa gặp nhiều khó khăn do đóng cửa nhiều, một số cửa hàng tiện lợi vốn không phải là kênh cung ứng hàng hóa thiết yếu, không có kho dự trữ, khi người tiêu dùng tập trung mua sắm đã dẫn đến tình trạng trống quầy, phải chờ đến đợt cung cấp hàng tiếp theo mới có hàng để bán.
Ông Nguyễn Nguyên Phương khẳng định: “Qua theo dõi, các hệ thống phân phối lớn, việc tự động tăng giá không có xảy ra. Một số mặt hàng có giá cao do là hàng nhập khẩu, hàng hữu cơ cao. Sở Công thương có lực lượng chuyên môn theo dõi diễn biến giá hàng hoá, trong những ngày này, lực lượng trực 100%. Theo dõi từ sáng sớm, báo cáo về ban chỉ đạo, khu vực nào thiếu hàng phải điều phối bổ sung ngay... Chúng tôi khẳng định, điều chỉnh nâng giá ở hệ thống phân phối hiện đại là không có. Một số trường hợp, cá nhân vào hệ thống phân phối mua số lượng lớn đã bị nhắc nhở, nếu không hợp tác thì mời Quản lý thị trường xử lý”.