Điểm nào trong Nghị quyết 54/2017/QH14 còn hợp thời thì vẫn dùng
Chiều 28/4, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh (Ban Chỉ đạo - PV) tổ chức họp báo để cung cấp một số tình hình trên địa bàn.
Liên quan đến Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh (Nghị quyết 54/2017/QH14). Ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết UBND TP đã giao Sở Tài chính xây dựng báo cáo tổng kết Nghị quyết 54/2017/QH14 và giao Viện Nghiên cứu Phát triển xây dựng dự thảo báo cáo tổng kết Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trên cơ sở 2 báo cáo tổng kết nêu trên, từ các mặt đạt được, mặt hạn chế, bài học kinh nghiệm và kiến nghị, Sở KH&ĐT sẽ tổng hợp, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn tiếp theo trong dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14.
“Song song đó, thực hiện chỉ đạo của UBND TP về biên soạn Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội. Sở KH&ĐT đã có công 2208/SKHĐT-THQH đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có ý kiến (bổ sung hoặc điều chỉnh) đối với các đề xuất về cơ chế tại dự thảo Nghị quyết thay thế. Theo đó, đối với từng cơ chế, đề nghị cần làm rõ 4 điểm: Căn cứ pháp lý; Căn cứ thực tiễn; Đề xuất nội dung cụ thể cho Nghị quyết thay thế; Đánh giá tác động chính sách của cơ chế đề xuất” - ông Trần Anh Tuấn chia sẻ.
Cũng theo ông Tuấn, những cái trong Nghị quyết 54/2017/QH14, nếu còn phù hợp thì sẽ vận dụng tiếp, nếu không còn phù hợp thì loại ra trên cơ sở diễn biến tình hình xã hội của TP. Nghị quyết 54/2017/QH14 đã được TP thực hiện gần 5 năm, chúng tôi đã dự thảo lần 2 và đang lấy ý kiến sở ngành để bổ sung vào Nghị quyết thay thế.
3 năm mới tuyển được 5/14 nhân tài theo kế hoạch
Tại buổi họp báo, ông Lâm Hùng Tấn - Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh cũng thông tin về chính sách thu hút nhân tài, chuyên gia được UBND TP ban hành từ năm 2019 tuyển 14 vị trí làm việc tại 4 cơ quan: Sở KH&ĐT, Sở Công nghệ, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao, Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao), tuy nhiên đến nay chỉ mới tuyển chọn được 5/14 chuyên gia, nhà khoa học làm việc tại Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP. Hiện chưa có trường hợp nào thôi việc và họ đang thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ được giao.
Cũng theo ông Tấn, năm 2021, TP cũng có kế hoạch tuyển chọn 6 vị trí để công tác trong lĩnh vực văn hóa (2 người trong lĩnh vực Văn hóa nghệ thuật, 4 người trong lĩnh vực Thể dục thể thao). Tuy nhiên, do diễn biến dịch Covid-19 phức tạp nên vị trí đăng ký vào các nơi tuyển còn hạn chế. Có trường hợp ở nước ngoài do khó khăn trong việc di chuyển nên không thể về Việt Nam để tham gia phỏng vấn. Chương trình này sẽ tiếp tục được thực hiện vì hiện nay và trong tương lai, nhu cầu của các cơ quan, đơn vị của TP Hồ Chí Minh rất đa dạng, luôn thay đổi theo nhu cầu thực tiễn.
Liên quan đến việc chi trả phụ cấp thêm giờ cho nhân viên y tế tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19, theo ông Phạm Đức Hải - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy kiêm Phó trưởng Ban Chỉ đạo, hiện TP đã thực hiện Nghị quyết 16 và Nghị quyết 145, nên các chế độ nào đã được quy định trong Nghị quyết 16 thì nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch Covid-19 đều được hưởng. Hiện nay TP đã giao cho 4 đơn vị, gồm: Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ, Sở Tài chính. Trong đó Sở Y tế chủ trì, thống nhất xin ý kiến Bộ Y tế trước khi trình UBND TP để ban hành quyết định chi trả theo đúng quy định pháp luật.