TP Hồ Chí Minh: Tăng học phí theo mức thấp nhất của Nghị định 81

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là khẳng định của ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hồ Chí Minh tại buổi họp báo về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh vào chiều 19/5.

Đã 6 năm TP không tăng học phí

Tại buổi họp báo, ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP giải thích về tờ trình của Sở GD&ĐT về việc tăng học phí đối với học sinh mầm non, THCS và THPT trên địa bàn.

Mức học phí khối khối mầm non, nhà trẻ cũng sẽ tăng trong năm học tới. 
Mức học phí khối khối mầm non, nhà trẻ cũng sẽ tăng trong năm học tới. 

Theo ông Minh, lẽ ra việc tăng học phí áp dụng trong năm học 2021 - 2022 vì Nghị định 81/2021 của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 10/2021. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên hoãn lại. Suốt quá trình dịch Covid-19, kinh tế chúng ta chưa phục hồi, do đó TP sẽ tiếp tục hỗ trợ học phí cho học sinh. Việc điều chỉnh học phí là thực hiện theo Nghị định 81, tăng theo mức sàn (mức thấp nhất).

“Đã 6 năm liên tục, Sở GD&ĐT đã tham mưu cho UBND TP không tăng học phí, mà giữ mức thấp nhất. Do đó, khi thực hiện Nghị định 81 thấy tăng 5 lần, Sở vẫn tham mưu tiếp tục thực hiện miễn giảm học phí đối với bậc THCS, còn cấp tiểu học thì miễn học phí. Đến thời điểm này Bộ GD&ĐT cùng các cơ quan ngang Bộ vẫn chưa có văn bản nói lộ trình miễn giảm học phí như thế nào đối với học sinh. Về vấn đề tăng học phí thì có tăng chất lượng giáo dục hay không thì tôi khẳng định học phí chỉ là phần kinh phí nhỏ bù vào các hoạt động của nhà trường dành hco học sinh. Đã 6 năm qua học phí không tăng nhưng chất lượng giáo dục của TP luôn tăng. Do đó, việc tăng chất lượng giáo dục là nhiệm vụ chính trị, chứ không phải vì học phí. Giáo dục làm sao để các em đạt được phẩm chất, năng lực theo yêu cầu” - ông Hồ Tấn Minh khẳng định.

Cụ thể mức tăng học phí tính theo nhóm. Trong đó, nhóm 1 (thành thị) gồm học sinh ở các quận và TP Thủ Đức. Nhóm 2 (nông thôn) là học sinh tại các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ. Mức tăng học phí các trường thuộc nhóm 1 sẽ áp dụng thu mức chung mới là 300.000 đồng/học sinh/tháng, với nhóm 2 chỉ tăng học phí từ bậc THCS trở lên (bậc THCS tăng 70.000 đồng/tháng, THPT tăng 100.000 đồng).

Mức tăng phí của từng cấp học tại TP Hồ Chí Minh.
Mức tăng phí của từng cấp học tại TP Hồ Chí Minh.

Về lý do tại sao lại chọn thời điểm này tăng học phí và tại sao không phải tăng 1 lần mà gấp 5 lần?, ông Minh giải thích: “Nghị định 86 đã hết hiệu lực năm 2020. Ngày 27/8/2021 Chính phủ ban hành Nghị định 81, Sở GD&ĐT dự kiến soạn thảo văn bản cho năm học 2021 - 2022, nhưng do dịch Covid-19 vẫn phức tạp nên thời điểm đó Sở GD&ĐT vẫn tham mưu UBND TP Hồ Chí Minh giữ nguyên mức học phí của năm trước và tham mưu UBND TP hỗ trợ miễn giảm học phí cho các em. Nghị định 81 đã có hiệu lực, thì chắc chắn chúng ta phải thực hiện, ở đây mức tăng mức thấp nhất. Các tỉnh, thành khác hàng năm đều tăng khoảng 7,5%, nhưng TP Hồ Chí Minh đã 6 năm liên tục không tăng học phí đối với học sinh công lập. Theo quy định của Nghị định 81, không có mức thấp hơn mức sàn, nếu không có Nghị định số 81 thì vẫn giữ mức học phí cũ".

Gần 1,2 triệu lao động được hỗ trợ tiền thuê nhà trọ

Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Hồ Chí Minh thông tin về tình hình nhập liệu gói hỗ trợ theo Quyết định 08 của Thủ tướng Chính phủ đối với tiền ở trọ cho người lao động (NLĐ).

Theo ông Lâm, từ nay hết tháng 8/2022 là hạn cuối nhận đơn của NLĐ xin hỗ trợ. Theo thống kê có tổng cộng 1.192.563 người sẽ được hỗ trợ tiền thuê nhà trọ. Tính đến chiều 19/5, các quận, huyện và TP Thủ Đức đã thống kê được 987.084 người đang làm việc, tổng số tiền cần hỗ trợ là hơn 1.840 tỷ đồng. Trong đó, NLĐ tại các Khu chế xuất - Khu công nghiệp hơn 195.000 lao động, số tiền cần hỗ trợ hơn 292 tỷ đồng. Đối với lao động quay trở lại thị trường thống kê có hơn 275.000 người, tổng số tiền cần hỗ trợ hơn 616 tỷ đồng, trong đó tại các Khu chế xuất - Khu công nghiệp là 27 tỷ đồng.

“Đến chiều 19/5, có 1.439 đơn vị đã gửi hồ sơ tới cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) và đã duyệt khoảng 15.000 người. Số lao động được duyệt hỗ trợ sẽ tăng lên hàng ngày. Khi có tiền, BHXH sẽ chuyển về cho doanh nghiệp (DN) để DN chi trả cho NLĐ. Hiện nay, xuất phát tình huống một số NLĐ gặp khó khăn trong việc xác nhận, do đó Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo các Phòng LĐ-TB&XH quận, huyện và TP Thủ Đức vận động, tuyên truyền đối với những chủ nhà trọ. Đây là quan hệ giữa NLĐ - chủ nhà trọ, vì vậy chủ nhà trọ cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NLĐ để họ được hưởng gói hỗ trợ này. Việc xác nhận của chủ nhà trọ sẽ là cơ sở để DN nộp danh sách lên cơ quan BHXH” - ông Nguyễn Văn Lâm cho biết.

Cũng theo ông Lâm, trong Quyết định 08 của Thủ tướng cũng đã quy định rất rõ: Ngày DN gửi hồ sơ cho BHXH, ngày DN gửi hồ sơ lên UBND quận, huyện và TP Thủ Đức, ngày DN phải chi trả cho NLĐ sau khi nhận được tiền rót về. Để đảm bảo tiến độ hỗ trợ và đúng đối tượng, tránh tiêu cực xảy ra, Sở LĐ-TB&XH cũng đã có tờ trình gửi UBND TP để thành lập 3 đoàn kiểm tra: Tiến độ chi trả; Tính chính xác đối tượng nhận hỗ trợ; Tính kịp thời chi trả. Gói hỗ trợ lần này là gói hỗ trợ tiền thuê nhà ở của công nhân, người đang làm việc (500.000 đồng/người/tháng, hỗ trợ 3 tháng), đối với NLĐ quay trở lại thị trường lao động được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng, hỗ trợ trong 3 tháng. Mức hỗ trợ này nhằm khuyến khích NLĐ quay trở lại làm việc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần