Ông Nguyễn Xuân Thủy - Phó Ban Quản lý dự án HEPZA cho biết: Tổng số vốn thu hút đầu tư trong 3 tháng đầu năm đạt 197,8 triệu USD, giảm hơn 227 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, vốn đầu tư nước ngoài đạt 115,6 triệu USD giảm 69,4% so với cùng kỳ năm 2015; vốn đầu tư trong nước đạt 82,19 triệu USD tăng 79,5% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Trần Việt Hà – Trưởng phòng Quản lý Đầu tư của HEPZA phát biểu.
|
Cùng với đó, diện tích đất cho thuê đạt 19,55ha, giảm 67,5%; diện tích nhà xưởng cho thuê giảm 64,9% so với cùng kỳ năm 2015. Hiện nay, tổng diện tích lấp đầy 18 khu công nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh mới đạt tỷ lệ 58,9%.
Theo ông Trần Việt Hà - Trưởng phòng Quản lý Đầu tư của HEPZA, nguyên nhân sụt giảm vốn đầu tư là do trong thời gian ngắn chưa có dự án đầu tư nào có giá trị lớn, nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua đã đi thị sát cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, nhiều địa phương khác có ưu thế về mặt bằng và nhân công lao động phổ thông hơn TP Hồ Chí Minh, nên các dự án về may mặc và da giày đã chuyển hướng về các địa phương khác.
Để hoàn thành chỉ tiêu trong năm 2016 thu hút được 700 triệu USD vốn đầu tư. HEPZA đã đề nghị TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh tên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Bên cạnh vấn đề cơ sở hạ tầng, các nhà đầu tư quan tâm nhất đó là nguồn lao động, đây không phải là thế mạnh của TP Hồ Chí Minh, do đó HEPZA phối hợp các cơ quan liên quan đẩy mạnh Đề án đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu doanh nghiệp nhằm tạo lợi thế cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư cho các ngành công nghiệp mũi nhọnlên ngang tầm với trình độ của khu vực thế giới.