TP Hồ Chí Minh: Thủ tục xây nhà cho người nghèo khó hơn thủ tục xây nhà cho người giàu!

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đất Lành nhận định, thủ tục hành chính rườm ra trong khi lợi nhuận thấp, rủi ro cao, khiến hầu hết các doanh nghiệp bất động sản chùn chân khi thực hiện dự án xây dựng nhà ở tập thể cho công nhân trong khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX).

Tại hội thảo "Nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất", diễn ra tại TP Hồ Chí Minh sáng nay 21/5, đại diện các doanh nghiệp, cơ quan chức năng đã chỉ ra hàng loạt những vấn đề bất cập khiến việc phát triển nhà ở cho công nhân nói riêng và nhà ở xã hội nói chung tại TP Hồ Chí Minh khó khăn.
 Ông Trần Công Khanh, Trưởng phòng Quản lý các khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh (Hepza) cho rằng, xây nhà lưu trú cho công nhân là nhu cầu cần thiết, cần phải làm tốt và phát huy hơn nữa.
Còn vướng quỹ đất
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Công Khanh, Trưởng phòng Quản lý các khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh (Hepza), cho biết hiện TP có khoảng 260.000 công nhân đang làm việc trong các KCN-KCX. Nhu cầu về chỗ ở của công nhân trong các KCX-KCN này rất lớn.
“Phần lớn, các công nhân đều thuê phòng trọ để giải quyết chỗ ở. Các khu nhà trọ đều chưa đảm bảo điều kiện sinh sống cơ bản cho công nhân. Theo thống kê hiện đã có 12 nhà lưu trú cho công nhân được huy động từ nhiều nguồn", ông Khanh nói.
Cũng theo ông Khanh, một trong các vấn đề còn vướng mặc là quỹ đất đầu tư xây dựng nhà lưu trú. Với quy định hiện hành, quỹ đất xây dựng nhà lưu trú phải nằm ngoài ranh khu công nghiệp. Điều này đòi hỏi nhà quy hoạch phải có chiến lược xây dựng quỹ đất. Đồng thời, các sở, ban, ngành cũng cần có sự hỗ trợ về vốn, thủ tục cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà lưu trú.
 Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc công ty Địa ốc Đất Lành nhấn mạnh, sở dĩ thủ tục xây nhà cho người giàu ''chạy rất nhanh'' là vì họ có tiền. Còn xây nhà cho người nghèo thì vì họ ít tiền nên thủ tục cứ ''chạy cà rề… cà rề''.
"Hiện có bốn nguồn cung cấp chỗ ở cho công nhân. Một là các chủ doanh nghiệp có sử dụng lao động tự xây nhà lưu trú cho công nhân. Hai là công ty đầu tư hạ tầng kỹ thuật của TP đầu tư. Thứ ba là các doanh nghiệp tự bỏ vốn ra xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Một nguồn rất lớn nữa là các cá nhân xây phòng trọ để cho công nhân thuê. Đây chính là nguồn cung về chỗ ở cho công nhân hiện nay”, ông Khanh cho biết thêm.
Cũng tại hội nghị, ông Trần Quốc Đạt, Phó trưởng Phòng Phát triển nhà ở thuộc Sở Xây dựng TP, lên tiếng thừa nhận quỹ đất là một vấn đề khó khăn lớn hiện nay. Ông Đạt chia sẻ quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân hiện tại chủ yếu do các doanh nghiệp tự nỗ lực xoay sở.
Đại diện Sở Xây dựng khẳng định luôn quan tâm, đề xuất nhiều chính sách về thuế, lãi suất, tạo lập quỹ đất để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội. Tuy vậy, vẫn tồn tại nhiều khó khăn về thủ tục, tài chính khiến doanh nghiệp quan tâm nhưng chưa thể tham gia được nhiều.
Đồng quan điểm, ông Phạm Chí Tâm, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP cũng bày tỏ mong muốn người lao động có nơi ăn chốn ở được đàng hoàng để đời sống được cải thiện tốt hơn. Tuy nhiên, qua báo cáo của Liên đoàn cho thấy phần lớn người lao động phải ở các khu nhà trọ tự phát, có những khu nhà trọ ọt ẹp, môi trường sống không đảm bảo. 
Ông Tâm cũng cho rằng cần phải có quy định tiêu chuẩn xây nhà trọ cho công nhân. Cạnh đó nên thành lập quỹ hỗ trợ cho các chủ nhà trọ nâng cao, xây mới các khu nhà trọ đảm bảo chất lượng.
“Chính sách quyết định 70% thành công”
Đến tham dự hội thảo với tư cách là một nhà đầu tư, ông Trần Đức Vinh, Giám đốc Công ty Bất động sản Trần Anh Long An (Trần Anh Group) cho biết, nhận thấy Long An là tỉnh có rất nhiều KCN nên công ty ông đã đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân tại tỉnh này. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư xây dựng 800 căn hộ ở Long An vào thời gian qua, công ty ông đã gặp rất nhiều khó khăn.
Cụ thể, ngoài vấn đề đất sạch thì Công ty Trần Anh đã bị xử phạt hành chính vì không có giấy phép xây dựng. Trong khi đó, nếu muốn có giấy phép xây dựng thì phải có giấy kiểm định về phòng cháy chữa cháy. Đó là chưa kể đến việc xin giấy phép về phòng cháy chữa cháy cũng rất rườm rà, khó khăn.
Xây dựng nhà ở cho công nhân là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách mà TP cần phải tốt trong thời gian tới.
“Lẽ ra chúng tôi đầu tư 10.000 căn nhưng cuối cùng đầu tư mới 800 căn đã thấy “không nỗi nữa”. Tới hội thảo này, tôi mong rằng cơ quan chức năng tại TP Hồ Chí Minh cũng như ở Long An có một cách nào đó để giúp đỡ những doanh nghiệp bất động sản đầu tư nhà ở xã hội được tốt hơn. Nếu được cơ quan chức năng hỗ trợ thì chúng tôi sẽ mạnh dạn đầu tư 10.000 căn giáp ranh với các KCN hiện hữu tại Long An”, ông Vinh cam kết.
Liên quan tới vấn đề thủ tục hành chính khi xây nhà ở xã hội cho công nhân, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành cũng cho rằng, thủ tục xây nhà cho người nghèo còn khó hơn thủ tục xây nhà cho người giàu.
"Thủ tục làm nhà cho người nghèo còn khó hơn nhà cho người giàu. Làm nhà thương mại nhiều tiền thủ tục chạy phăng phăng, làm nhà cho người nghèo ít tiền, thủ tục rề rà. Thủ tục xong thì chuyển sang nhà thương mại bán cho nhanh", ông Đực bức xúc và kể lại từng có một doanh nhân nói thẳng "ngu hay sao mà làm nhà ở xã hội".
Một bất cập khác được ông Đực chỉ ra là chưa có quy định cụ thể về việc cho thuê nhà ở xã hội của chủ đầu tư. Ông Đực lấy ví dụ nếu gặp người thuê không tốt, tụ tập quậy phá, chây ỳ không đóng tiền nhà sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cả khu dân cư trong khi chủ đầu tư lại không có quyền can thiệp.
Phó Giám đốc Đất Lành cũng cho rằng với việc sử dụng nhà ở xã hội, nên đi theo hướng cho thuê nhiều hơn thay vì bán. "Công nhân không có nhiều tiền để mua nhà luôn. Hơn nữa nhiều người có đất, có nhà ở quê, một thời gian dành dụm được họ cũng sẽ trở về quê", ông Đực nêu lý do.
Ông Đực cũng chia sẻ, thực tế khi đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, doanh nghiệp rất khó thu hồi vốn nhanh chóng và ít có lãi. Tuy nhiên, vấn đề thủ tục hành chính khi đầu tư xây dựng nhà ở doanh nghiệp lại gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục.
Chính vì vậy, theo ông Đực, để việc xây dựng nhà ở cho công nhân trong các khu chế xuất, khu công nghiệp được thành công thì doanh nghiệp chỉ có thể đóng góp 30% và 70% còn lại phụ thuộc vào quyết định của chính quyền, của chính sách.
"TP Hồ Chí Minh phát triển như hiện nay, đóng góp ngân sách hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm, phần lớn cũng từ những người lao động mà ra. Chăm lo cho công nhân phải là trách nhiệm của TP", ông Đực khẳng định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần