Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Tiểu thương chợ Bến Thành đồng loạt đóng cửa vì dịch Covid-19

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau "lệnh" đóng cửa quán xá, nhà hàng của chính quyền TP Hồ Chí Minh, bên trong chợ Bến Thành nhiều tiểu thương đã đóng sạp, thậm chí treo bảng chuyển nhượng sạp.

Một số sạp đang gom hàng để đóng cửa 
Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, trưa ngày (28/3), toàn bộ chợ Bến Thành chìm trong không khí đìu hiu, vắng khách. Khoảng 80% trong số hơn 1.400 sạp hàng ở chợ Bến Thành đã đóng cửa do Covid-19.
Bên trong chợ,các quầy hàng đều treo bảng tạm nghỉ đến hết tháng 3, thậm chí có những quầy hàng treo bảng báo nghỉ đến tận 30/4. Trong khi đó, những khu vực bán hàng ăn, đồ lưu niệm… trong chợ cũng thưa khách.
Cùng với đóng cửa, nhiều tiểu thương treo bảng để thông báo với khách hàng.
"Ngay từ chiều 24/3, khi có “lệnh” đóng cửa nhà hàng, quán xá… lượng khách đến chợ đã vắng hẳn. Ban đầu chúng tôi nghĩ dịch bệnh rồi sẽ qua nhanh nên cố gắng cầm cự, mở cửa chờ khách. Nhưng giờ không còn cách nào khác, rất nhiều chi phí phải bỏ ra như tiền thuế, tiền thuê nhân viên, tiền mặt bằng… không kham nổi...", một  tiểu thương cho biết.

Tại dãy ki ốt chuyên bán bánh kẹo, bà Linh (60 tuổi) là một trong số ít tiểu thương còn cầm cự bán hàng. "Tôi bán ở chợ Bến Thành 20 năm nay nhưng chưa bao giờ ế ẩm như hiện nay. Sạp bánh kẹo của tôi giờ còn mở vì chủ yếu bán cho mối quen, họ cũng đang tạm ngưng nhập hàng rồi", bà Linh nói.
Ngay bên cạnh sạp hàng của bà Linh là những bao hàng hóa của tiểu thương được đóng gói, chất ngay cửa. Hàng loạt sạp hàng cửa đóng then cài, khung cảnh vắng lặng.
Khu vực bán hàng ăn, nhiều quầy hàng đã dọn dẹp bàn ghế, sẵng sàng đóng cửa một thời gian.
Những người bán ở quầy cơm bà Củi, sạp 1014 khu ăn uống than ế ẩm từ sáng đến giờ. Họ nói trước đây khi số lượng ca nhiễm Covid-19 bắt đầu tăng là khách đến ăn uống ở đây giảm hẳn, nhưng vẫn có khách, còn hiện tại gần như không có khách.
“Rất khó khăn để quyết định đóng cửa, nhưng nếu cứ kinh doanh kiểu này thì chắc chắn phá sản sớm. Nếu quần áo, giày dép, đồ lưu niệm không bán được lúc này có thể bán lúc khác. Nhưng bán đồ ăn uống không giống vậy, mở cửa là phải nhập hàng, thịt, rau, cá… những thứ này đâu thể để lâu được. Một khi không có khách, không bán được, thì coi như thua lỗ”, chủ một quầy bán phở tại chợ Bến Thành chia sẻ.
Không chỉ bên trong, bên ngoài Chợ Bến Thành cũng hoàn toàn vắng khách.
Không chỉ bên trong chợ Bến Thành, mà khu vực bên ngoài chợ cũng tương tự. Cụ thể, khu vực cửa Tây và cửa Đông của chợ Bến Thành trước đây rất sầm uất, bởi bên ngoài có nhiều tiểu thương mua bán, chưa kể một lượng lớn khách du lịch có thể tập trung ở khu vực bên ngoài chợ để tham quan, chụp ảnh, đổi ngoại tệ, nhưng hiện nay rất vắng vẻ.
"Dịch bệnh khiến số lượng du khách đến tham quan sụt giảm hẳn. Trong khi đó, người dân cũng ngại đến nơi đông người để phòng dịch nên hầu như không có người đến, họ chọn đi siêu thị trực tuyến, được giao hàng tận nhà nên chợ càng thêm vắng", tiểu thương một gian hàng bên ngoài cửa Bắc - giáp đường Lê Thánh Tôn nói.