Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế bị khống chế mức thu

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9/8, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi UBND TP Thủ Đức, 21 quận, huyện và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc về việc hướng dẫn triển khai quy trình thực hiện chương trình chất lượng cao theo mô hình "Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế" trên địa bàn.

Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hồ Chí Minh giao các cơ sở giáo dục lần đầu triển khai đề án xây dựng “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế” lấy ý kiến cán bộ, viên chức, đánh giá và lập kế hoạch đề xuất Phòng GD&ĐT tham mưu UBND quận, huyện, TP Thủ Đức xem xét, cho ý kiến thực hiện đề án. Sau đó, gửi Sở GD&ĐT tham mưu, trình UBND TP chấp thuận chủ trương thực hiện chương trình.

Sau khi được UBND TP chấp thuận chủ trương thực hiện chương trình chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”, UBND TP Thủ Đức, quận, huyện phê duyệt, chỉ đạo và giảm sát thực hiện xây dựng Để án.

Sau khi được phê duyệt, vào đầu năm học, các trường công bố công khai điều kiện tuyển sinh và mức thu cụ thể để phụ huynh học sinh biết thực hiện. Hàng năm, cơ sở giáo dục tiến hành tự đánh giá, rà soát kết quả thực hiện và báo cáo cơ quan quản lý theo phân cấp.

Theo Sở GD&ĐT, năm học 2022 - 2023, các trường theo mô hình tiên tiến, hội nhập quốc tế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có tổng mức thu không quá 1.500.000 đồng học sinh/tháng. Ảnh: Dân trí
Theo Sở GD&ĐT, năm học 2022 - 2023, các trường theo mô hình tiên tiến, hội nhập quốc tế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có tổng mức thu không quá 1.500.000 đồng học sinh/tháng. Ảnh: Dân trí

Trường hợp các cơ sở đang thực hiện đề án theo quyết định cũ nhưng chưa đạt các tiêu chí theo quyết định mới của UBND TP, các cơ sở được tiếp tục thực hiện tối đa không quá 2 năm. Sau đó, phải rà soát các tiêu chí xây dựng hoàn thiện theo quyết định mới gửi về Phòng GD&ĐT quận huyện, TP Thủ Đức. Nếu sau thời gian trên chưa được công nhận thì sẽ đưa ra khỏi danh sách triển khai chương trình.

Theo đề án, các trường theo mô hình "trường tiên tiến, hội nhập quốc tế" phải thực hiện giảng dạy 2 buổi/ngày cho toàn bộ học sinh của trường, tăng cường ngoại ngữ. Tổ chức bán trú (ăn uống, nghỉ trưa) với cơ sở vật chất tốt, phòng ăn nghỉ tiện nghi, đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho học sinh.

Sĩ số học sinh không quá 35 học sinh và giảm số lớp từng khối để đáp ứng yêu cầu của phòng học (riêng đối bậc mầm non là không quá 30 trẻ/lớp). Đảm bảo nhà trường đầy đủ phòng học chuyên môn, phòng sinh hoạt kỹ năng, phòng chức năng được trang bị đầy đủ vật dụng. Triển khai đổi mới công tác quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà trường.

Các trường được đảm bảo nguyên tắc thu đủ bù chi, không vì mục đích lợi nhuận, phù hợp với khả năng đóng góp của người học, công khai mức thu ngay lúc tuyển sinh và không thu thêm 1 khoản nào khác. 

Được tính toán trên cơ sở các khoản chi thực tế theo giờ giảng dạy và hoạt động chuyên môn đáp ứng các yêu cầu chất lượng của “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”, đầu tư trang thiết bị, tài liệu dạy, học tập.

Học phí và các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục được thu theo số tháng thực học nhưng tối đa không quá 9 tháng/năm học (riêng đối với bậc học mầm non được thu theo số tháng thực học).

Riêng năm học 2022 - 2023, tổng mức thu không quá 1.500.000 đồng học sinh/tháng. Hằng năm được bố trí ngân sách theo lộ trình phù hợp đến khi đơn vị tự bảo đảm 100% chi thường xuyên cho từng bậc học. 

Toàn bộ các khoản thu chi học phí và khoản thu dịch vụ trường tiên tiến, hội nhập quốc tế phải thực hiện 100% thanh toán không dùng tiền mặt, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát.

Trước đó, năm 2005, trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) là trường đầu tiên tại TP thí điểm mô hình trường tiên tiến, hội nhập quốc tế. Đến nay, đã có 40 trường ở thành phố hoạt động theo mô hình này gồm 16 trường mầm non, 13 trường tiểu học, 8 trường THCS và 3 trường THPT.

 

Hiện nay, theo quyết định mới, UBND TP Hồ Chí Minh công bố lộ trình và thời gian triển khai thực hiện Đề án gồm:

- Giai đoạn 1: Xây dựng (thực hiện cuốn chiếu theo từng năm học)

+ Khối THPT: 3 năm

+ Khối THCS: 4 năm

+ Khối Tiểu học: 5 năm

+ Khối Mầm non: 3 năm

- Giai đoạn 2: Hình thành (kéo dài từ 2-5 năm)

- Giai đoạn 3: Phát triển

Thời gian triển khai bắt đầu áp dụng từ năm học 2022 - 2023.