TP Hồ Chí Minh tuyên dương “Những tấm gương lặng lẽ mà cao cả”

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Họ là “Những tấm gương lặng lẽ mà cao cả” trong phong trào thi đua yêu nước. Có người nhiều năm quyên góp hàng chục nghìn quyển sách quý từ nước ngoài đem về tặng cho các trường đại học ở Việt Nam; Có người âm thầm góp sức trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Những đóng góp thầm lặng trong mùa dịch Covid-19

Sáng 11/10, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng TP, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức họp báo thông tin về lễ tuyên dương “Những tấm gương lặng lẽ mà cao cả” trong phong trào thi đua yêu nước của TP Hồ Chí Minh lần 5 - năm 2022.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hưng - Phó Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng TP, thời gian tổ chức lễ tuyên dương dự kiến từ ngày 24/10 đến 28/10, đơn vị tổ chức là UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh.

Lực lượng quân đội tham gia giúp dân trong mùa dịch Covid-19
Lực lượng quân đội tham gia giúp dân trong mùa dịch Covid-19

Lễ tuyên dương “Những tấm gương lặng lẽ mà cao cả” nhằm động viên kịp thời tinh thần tự nguyện, tự giác, sự hy sinh cống hiến thầm lặng, bằng những tấm lòng nhân ái mà không toan tính vụ lợi. Họ đa phần là những người đã có nhiều đóng góp thầm lặng kể từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát.

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Hưng, trong đợt tuyên dương này có 101 gương (21 tập và 80 cá nhân). Qua việc tuyên dương “Những tấm gương lặng lẽ mà cao cả”, nhằm giới thiệu, nhân rộng những hình ảnh sống đẹp, sống có trách nhiệm với cộng đồng xã hội, tạo sự lan tỏa trong phong trào thi đua của các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư TP, khơi dậy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm giúp đỡ nhau trong cuộc sống, cùng nhau xây dựng cộng đồng dân cư ngày càng nhân văn, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần xây dựng TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Đối tượng được tuyên dương là các tập thể thuộc hệ thống MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp; tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư; tổ chức tôn giáo; tổ đội sản xuất trong các tổ chức kinh tế trong và ngoài Nhà nước; các nhóm thiện nguyện nhân đạo…

Về cá nhân (kể cả người Việt Nam ở nước ngoài) là những người có thành tích đóng góp cho công tác an sinh xã hội trên địa bàn TP; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ được giao tại cơ quan, đơn vị đã có những đóng góp thầm lặng mang ý nghĩa thiết thực và hiệu quả quá cho cộng đồng, xã hội.

Nhận nuôi 3 con của nạn nhân tử vong vì Covid-19

Một trong 101 “Những tấm gương lặng lẽ mà cao cả”, có thể kế đến trường hợp ông Võ Tá Hân (SN 1948, Việt kiều Mỹ). Từ năm 1988, ông Hân bắt đầu chương trình “Books4Vietnam” với mục đích quyên góp sách từ nước ngoài chuyển về Việt Nam nhằm giúp lớp trẻ nâng cao kiến thức, góp phần xây dựng đất nước. 

Chỉ riêng tính từ năm 2018 đến năm 2021, ông Hân và gia đình đã phối hợp cùng Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, thực hiện công tác tiếp nhận 9.338 quyển (sách khoa học kỹ thuật của Nhà xuất bản World Scientific) trị giá hơn 26 tỷ đồng, để trao tặng 25 trường đại học, cao đẳng ở TP Hồ Chí Minh và trên cả nước. Số sách này là một phần trong số hơn 1 triệu quyển sách ông đã quyên góp gửi về Việt Nam trong suốt 30 năm qua.

Hiện nay, ông cùng gia đình đang tiếp tục tiếp nhận từ Singapore 54.020 quyển sách khoa học kỹ thuật, với tổng trị giá hơn 115 tỷ đồng, để trao tặng các trường đại học, cao đẳng tại TP Hồ Chí Minh, đóng góp vào sự nghiệp giáo dục, trồng người của đất nước.

Trường hợp khác là thiếu tá Nguyễn Trung Kiên - Chủ nhiệm Hậu cần - Kỹ thuật Trung đoàn Gia Định thuộc Bộ Tư lệnh TP. Khi đại dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát trên địa bàn TP, thiếu tá Kiên đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, xung phong trên tuyến đầu chống dịch xuyên suốt hơn 150 ngày đêm; đảm nhiệm trực tại 6 chốt kiểm soát dịch Covid-19 của TP; tham gia xịt khử khuẩn các khu cách ly, khu phong tỏa.

Bên cạnh đó, thiếu tá Nguyễn Trung Kiên còn tiếp nhận và bàn giao hơn 200 hũ tro cốt của nạn nhân tử vong do dịch bệnh Covid-19 về với gia đình của họ bảo đảm an toàn, chu đáo. 

Ngoài ra, thiếu tá Kiên còn chế tạo 2 robot điều khiển từ xa có chức năng xịt khử khuẩn hiệu quả ở những khu vực nhỏ hẹp, khu nhà trọ, những khu có bệnh nhân F0 cách ly. Robot này còn có thể hỗ trợ vận chuyển nhu yếu phẩm cho người dân đang cách ly từ khoảng cách 500m đảm bảo an toàn. Sáng kiến của thiếu tá Nguyễn Trung Kiên đã được công nhận cấp Quân khu 7 và hiến tặng cho bảo tàng MTTQ Trung ương.

Tháng 8/2021, trong một lần thực hiện nhiệm vụ bàn giao tro cốt nạn nhân Nguyễn Thị Ngọc Nga tử vong vì dịch bệnh Covid-19 về với gia đình tại nhà trọ ở phường Tân Phú, TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Cám cảnh trước việc chị Nga mất đi để lại mẹ già 88 tuổi cùng 3 con nhỏ. Mặc dù gia đình thiếu tá Nguyễn Trung Kiên không khá giả, bản thân là trụ cột chính, nhưng thiếu tá Kiên đã chủ động nhận 3 cháu làm con nuôi để chăm sóc, gồm: Bé Nguyễn Đình Huy (10 tuổi), Nguyễn Thị Bảo Ngọc (8 tuổi) và Phạm Thị Bảo Châu (4 tuổi).

Để có đủ điều kiện chăm sóc cho các cháu đến tuổi trưởng thành có cuộc sống tốt hơn, thiếu tá Kiên đã kêu gọi, vận động gia đình, bạn bè, mạnh thường quân… hỗ trợ hơn 300 triệu đồng. Những việc làm nêu trên của thiếu tá Nguyễn Trung Kiên không những góp phần xoa dịu nỗi đau của các cháu mồ côi do Covid-19, mà còn tô thắm thêm hình ảnh đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng Nhân dân.