Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho biết: Đến giữa nhiệm kỳ sẽ thực hiện giải quyết được 22/37 tuyến đường ngập do mưa, đạt 59,46% so với chỉ tiêu giai đoạn 2016 - 2020; dự kiến, đến năm 2020 sẽ hoàn thành 15 điểm ngập còn lại đúng theo kế hoạch.
Đồng thời, sẽ đầu tư hoàn thành được 1.358/179 tuyến đường, hẻm ngập đạt 758% so với chỉ tiêu giai đoạn 2016 - 2020. Đối với các tuyến đường ngập do triều cường, dự kiến đến giữa năm 2019, sẽ giải quyết 8/9 tuyến đường ngập do triều cường, đến năm 2020 sẽ hoàn thành giải quyết 9/9 tuyến đường ngập do triều cường theo đúng kế hoạch đề ra.
Hiện nay, Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát (công suất 131.000m3/ngày) đã thi công hoàn thành vào quý II năm 2017; Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (giai đoạn 2) nâng công suất từ 141.000m3/ngày lên 469.000m3/ngày, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình Giao thông đô thị TP Hồ Chí Minh đang triển khai thi công; Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè (công suất 480.000m3/ngày). Ban Quản lý đầu tư dự án Vệ sinh môi trường TP đang triển khai thi công xây dựng tuyến cống bao; Nhà máy xử lý nước thải Tây Sài Gòn công suất 150.000m3/ngày đã được UBND TP phê duyệt dự án đầu tư vào ngày 4/4/2018.
Riêng đối với 3 nhà máy xử lý nước thải (Tân Hóa - Lò Gốm, công suất 300.000m3/ngày; Bắc Sài Gòn 1, công suất 170.000m3/ngày; Nâng cấp, mở rộng nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa từ công suất 30.000m3/ngày lên công suất 180.000m3/ngày), hiện các sở, ngành TP Hồ Chí Minh đang phối hợp tham mưu kêu gọi đầu tư.
Bên cạnh đó, trong năm 2017 đã đưa vào vận hành 4 trạm xử lý nước thải gồm: Khu dân cư 17,3ha tại Quận 2 công suất 3.000 m3/ngày; Khu dân cư 18,4ha tại Quận 2 công suất 7.000 m3/ngày; Vĩnh Lộc B tại huyện Bình Chánh công suất 3.700 m3/ngày và Hồ Sinh học kênh Ba Bò tại quận Thủ Đức công suất 25.000 m3/ngày.
Để triển khai các dự án trong chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016 - 2020 trong thời gian tới, Trung tâm Điều hành Chương trình Chống ngập nước TP kiến nghị UBND TP thông qua kế hoạch đầu tư các tuyến đường, hẻm do quận, huyện quản lý; hệ thống sông, kênh rạch kết nối đồng bộ với dự án Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).
Đồng thời, UBND TP chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP, Sở Tài chính TP gấp rút tham mưu UBND TP thực hiện chuyển nguồn cho các dự án đã được bố trí vốn chuẩn bị đầu tư từ ngân sách Trung ương nguồn SCIC sang vốn ngân sách TP và bố trí vốn ngay để Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP có cơ sở tiếp tục triển khai thực hiện và hoàn thành các dự án chống ngập góp phần hoàn thành Chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016 - 2020. Mặt khác, UBND TP mời gọi đầu tư các dự án bằng nguồn xã hội hóa và vốn vay ODA.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho rằng: Với đặc điểm của TP là đô thị có tốc độ tăng dân số nhanh dẫn đến những bất cập về hạ tầng, hệ thống cấp thoát nước bị tác động. Cụ thể, dân số tăng nhanh nên việc quản lý xây dựng, xả rác thải, lấn chiếm kênh, rạch ảnh hưởng việc khơi thông dòng chảy. Trong khi đó, quản lý quy hoạch và kết nối quy hoạch còn hạn chế, kết nối không đồng bộ dẫn đến tình trạng ngập nước cho TP.
Do đó, để giải quyết tình trạng ngập nước cho TP, trong thời gian tới, Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP phải triển khai đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình; cũng như có sự phối hợp giữa các sở, ngành, quận, huyện trong giải quyết chống ngập.