Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Vướng mặt bằng, dự án chống ngập 10.000 tỷ tiếp tục trễ hẹn

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù khẳng định sẽ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư muộn nhất vào 30/6, tuy nhiên đến nay, công tác giải phóng mặt bằng cho dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng vẫn chưa thể hoàn thành, khả năng cao dự án chống ngập quan trọng này sẽ phải tiếp tục lùi tiến độ về đích.

Sáng 18/8, tin từ Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, TP đã có văn bản chỉ đạo giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng của dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1 (dự án chống ngập).
Tính đến nay đã hơn 1,5 tháng sau thời hạn cuối cùng (30/6) nhưng công tác bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng vẫn chưa được giải quyết xong. 
 Sau nhiều cam kết khả năng cao dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tiếp tục trễ hẹn.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Hội đồng thẩm định giá đất TP, UBND quận 4, 7, 8, huyện Nhà Bè, Bình Chánh và Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (chủ đầu tư dự án chống ngập) khẩn trương thực hiện các nội dung đề xuất của Ban chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ tái định cư TP.
Cụ thể, UBND quận 8, huyện Bình Chánh được yêu cầu khẩn trương tiếp xúc các hộ dân còn lại tại khu vực dự án, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân di dời, tạo sự đồng thuận để người dân bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư triển khai dự án theo đúng tiến độ. Nếu có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo UBND TP xem xét, chỉ đạo giải quyết kịp thời.
Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đề nghị, UBND huyện Nhà Bè nhanh chóng rà soát, báo cáo các khó khăn, vướng mắc liên quan công tác bồi thường giải phòng mặt bằng dự án; tham mưu, đề xuất UBND TP ngay trong tháng 8.
Hội đồng thẩm định giá đất TP khẩn trương xem xét, có ý kiến thẩm định phương án hệ số điều chỉnh giá đất cụ thể để tính bồi thường, hỗ trợ liên quan dự án (hạng mục đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến sông Kinh, gồm ba tuyến đê kè 1, 2, 3).
Về việc điều chỉnh dự án, Sở Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng với Công ty Trung Nam khẩn trương xem xét các phương án tài chính liên quan việc điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, đảm bảo cơ sở duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án theo quy định, tham mưu, đề xuất UBND TP tại buổi họp giao ban định kỳ.
Liên quan công tác giải ngân dự án, UBND TP giao Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị xem xét, xác nhận hồ sơ khối lượng hoàn thành công trình để giải ngân khoản vay, đảm bảo triển khai dự án theo đúng tiến độ quy định.
Trước đó, sau thời gian ngưng trệ vì hàng loạt vướng mắc liên quan đến thủ tục giải ngân, từ đầu năm đến nay, Thành ủy, UBND TP liên tục tổ chức các buổi khảo sát thực địa nhằm ghi nhận thực tế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, giúp dự án chống ngập 10.000 tỷ nhanh chóng hoàn thành, đi vào hoạt động.
Tại các cuộc thị sát, từ chủ đầu tư đến các sở, ban, ngành đều cam kết sẽ hoàn thành nhiệm vụ đúng tiến độ, đưa dự án "về đích" trong năm 2019. Khó khăn lớn nhất là khâu giải phóng mặt bằng cũng được các quận, huyện nhiều lần khẳng định sẽ bàn giao trước 30/6, tạo điều kiện tốt nhất cho chủ đầu tư tiến hành thi công.

TP Hồ Chí Minh có diện tích hơn 2.000km2, trong đó hơn 1.330km2 (63%) có cao độ dưới 1,5m là nơi có địa hình thấp, chịu tác động trực tiếp từ triều biển Đông nên thường xuyên xảy ra tình trạng ngập.

Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng của TP được khởi công giữa năm 2016 nhằm kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570km² và khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.

Dự án bao gồm 6 cống kiểm soát triều lớn với khẩu độ từ 40 - 160m là Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô và Phú Định.

Ngoài ra, dự án chống ngập do triều còn có hạng mục đê bao ven sông Sài Gòn (từ Vàm Thuật đến Sông Kinh) dài 7,8km, bảo vệ các đoạn xung yếu, các cống nhỏ dưới đê với khẩu độ từ 1 - 10m.

Dự án được xây dựng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), UBND TP sẽ thanh toán cho nhà đầu tư bằng 84% tiền và 16% quỹ đất. Trường hợp giá trị quỹ đất nhỏ hơn giá trị dự án BT, TP được phép thanh toán bằng ngân sách đối với phần chênh lệch.