Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu Sở Công Thương thống nhất cách thực hiện, sớm triển khai thí điểm tại các địa phương, đảm bảo nhu cầu lương thực, thực phẩm cho người dân trong giai đoạn thực hiện Chỉ thị 16. Không để người dân thiếu thốn, khó khăn khi mua lương thực nhất là tại các khu phong tỏa.
Đại diện Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, kế hoạch là mỗi chợ chỉ chọn vài tiểu thương có đủ năng lực cung cấp 2 mặt hàng thiết yếu là cá, thịt và rau, củ, quả. Tiểu thương sẽ chia hàng hóa nhỏ trong từng túi, đồng giá, người dân chỉ việc đến lấy túi hàng, để lại tiền, hạn chế tiếp xúc. Ngoài ra, người dân sẽ được phát phiếu đi chợ, đảm bảo yêu cầu giãn cách, không tập trung tại 1 quầy hàng.
TP Hồ Chí Minh sẽ tái mở cửa các chợ bị đình chỉ trước đó, nhưng giới hạn chỉ từ 2 đến 10 tiểu thương để phòng dịch Covid-19 |
Trước đó, chiều ngày 13/7, đại diện Sở Công Thương TP Hồ Chí cũng đã cho biết, Sở này vừa có công văn hỏa tốc, hướng dẫn tổ chức hoạt động chợ truyền thống nhằm gia tăng điểm cung ứng hàng hóa, giảm lượng khách đến siêu thị khi thành phố thực hiện Chỉ thị 16.
Theo đó, TP Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo đơn vị quản lý chợ đang phải đình chỉ hoạt động trên địa bàn chọn vị trí, tổ chức các điểm bán phù hợp trong khu vực chợ. Khu vực sạp, tiểu thương bố trí đảm bảo giãn cách; tận dụng các diện tích trống như khu bán thức ăn, sân chợ để tổ chức kinh doanh.
Trước mắt, các địa phương rà soát, thí điểm giới hạn từ 2 đến 10 tiểu thương kinh doanh rau củ quả tùy theo mô hình hoạt động chợ.
Trong trường hợp nhiều tiểu thương có chung nhu cầu kinh doanh, đơn vị quản lý chợ cần sắp xếp, tổ chức cho các tiểu thương này bán luân phiên. Tiểu thương phải chủ động nguồn hàng, phân chia sẵn, đóng gói sản phẩm theo quy cách đồng giá để thuận tiện, nhanh chóng cho cả người bán và mua.
Chính quyền các địa phương thông tin qua khu phố, tổ dân phố về các điểm bán này trước để người dân nắm rõ. Ngoài ra, đơn vị quản lý cần phát thẻ ra vào chợ để kiểm soát số lượng, phân bổ số người đến theo khung giờ, khống chế lượng khách ra vào chợ.
Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, khu trung chuyển hàng hóa phải đáp ứng vô cùng nghiêm ngặt công tác phòng, chống dịch. Tài xế, phụ xe đều phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, và đều phải được kiểm tra, kiểm soát, khai báo lịch trình chặt chẽ. Khu vực cho một xe container và các xe khác vào được bố trí với diện tích 500m2, những người trong khu vực hạn chế tối đa tiếp xúc để đảm bảo công tác phòng chống dịch.
“Sở Công Thương đang tích cực triển khai mô hình này ở chợ đầu mối Hóc Môn. Khả năng tối ngày 14/7 sẽ bắt đầu, như vậy, nguồn hàng về TP sẽ tăng đáng kể”, đại diện Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh khẳng định.
TP Hồ Chí Minh: Bác thông tin "phong tỏa toàn thành phố và 1 lãnh đạo mắc Covid-19" Trưa ngày 14/7, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện trên mạng xã hội đang lan truyền thông tin về việc TP sẽ thực hiện đóng cửa toàn thành phố (lockdown) dẫn đến khan hiếm thực phẩm nên kêu gọi người dân tụ tập mua sắm, tích trữ hàng hóa; thông tin cho rằng một lãnh đạo thành phố bị mắc Covid-19…. Ban Tuyên giáo Thành ủy TP khẳng định những thông tin trên đều là thông tin sai sự thật, xuyên tạc. Lãnh đạo TP đang tập trung triển khai các biện pháp quyết liệt để kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch Covid-19; đồng thời, triển khai các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho người dân. Đề nghị người dân bình tĩnh, không nghe theo, không lan truyền các thông tin không chính xác. Người dân thành phố nên cập nhật thông tin từ báo chí chính thống. Các cơ quan chức năng của TP sẽ xử lý nghiêm đối với các trường hợp có hành vi lan truyền thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong xã hội. |