Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh xét xử 67 bị cáo trong vụ án Thuduc House

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Số tiền các bị cáo trong vụ án này gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 331,4 tỷ đồng. Trong 67 bị cáo, có rất nhiều cán bộ ngành thuế và hải quan.

Sáng 6/6, TAND TP Hồ Chí Minh đã đưa 67 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) và một số đơn vị ở các tỉnh phía Nam ra xét xử, về các tội: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Buôn lậu”, “Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới”, “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Nhận hối lộ”, “Sản xuất, buôn bán hàng giả”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức”.

Nhóm bị cáo trong vụ án xảy ra tại Thuduc House bị bắt tạm giam.
Nhóm bị cáo trong vụ án xảy ra tại Thuduc House bị bắt tạm giam.

Ngoài 67 bị cáo trong vụ án này, HĐXX cũng triệu tập gần 250 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, 55 luật sư tham gia phiên tòa. Bị hại trong vụ án được xác định là Cục thuế TP Hồ Chí Minh và Thuduc House.

Theo cáo trạng, từ năm 2016-2020, bị can Trịnh Tiến Dũng (SN 1973, hiện đã bỏ trốn và đang bị truy nã) cầm đầu, chỉ đạo các đồng phạm tại Việt Nam và nước ngoài sử dụng giấy chứng CMND giả để thành lập nhiều doanh nghiệp (DN) “ma” ở Việt Nam và ngoài nước, giả chữ ký nhiều người để mở tài khoản ngân hàng, lập hợp đồng mua bán, xuất nhập khẩu hàng hóa là linh kiện điện tử (hàng giả, hàng nhái, hàng đã qua sử dụng…) với các công ty nước ngoài ở Mỹ, Singapore, Malaysia, Hồng Kông (Trung Quốc), Campuchia...

Trịnh Tiến Dũng lợi dụng chính sách của Nhà nước về khuyến khích DN xuất khẩu linh kiện điện tử với thuế suất 0%, tạo dựng hồ sơ mua bán trong nước và xuất khẩu linh kiện điện tử có giá trị chênh lệch rất lớn, móc nối với các đối tượng tại Công ty Cổ phần Thương mại Sài Gòn Tây Nam, Công ty Hoàng Nam Anh lập hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) chiếm đoạt hơn 153 tỷ đồng tại Cục thuế tỉnh Tây Ninh, móc nối với các đối tượng tại  Thuduc House lập hồ sơ hoàn thuế GTGT chiếm đoạt hơn 365 tỷ đồng tại Cục thuế TP Hồ Chí Minh.

Nhóm bị cáo trong vụ án Thuduc House được tại ngoại. Bị cáo Nguyễn Thị Bích Hạnh - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Thuế TP (ngồi thứ 2 trong hàng ghế thứ 2).
Nhóm bị cáo trong vụ án Thuduc House được tại ngoại. Bị cáo Nguyễn Thị Bích Hạnh - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Thuế TP (ngồi thứ 2 trong hàng ghế thứ 2).

Ngoài ra, Trịnh Tiến Dũng còn tổ chức, chỉ đạo đàn em buôn lậu, vận chuyển trái phép hơn 73 triệu USD (trong đó 51.675.638 USD từ Việt Nam ra nước ngoài; 22.731.686 USD từ nước ngoài về Việt Nam); Buôn lậu hàng hóa trị giá 2,8 tỷ đồng; Nhận hối lộ 7,4 tỷ đồng; Sản xuất, buôn bán hàng giả trị giá 986 tỷ đồng; Chỉ đạo người đưa hối lộ cho cán bộ Chi cục thuế quận 1, 3 và 5 để các công ty “ma” hoạt động mua bán hóa đơn GTGT, kê khai khống hàng hóa đầu vào để được khấu trừ thuế.

Sau khi chỉ đạo thuộc cấp chuyển tiền lòng vòng vào các tài khoản ngân hàng, Trịnh Tiến Dũng rút toàn bộ 538 tỷ đồng tiền thuế GTGT và chiếm đoạt.

Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Vũ Bảo Hoàng (SN 1976, ngụ TP Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc Thuduc House) cùng các thuộc cấp Nguyễn Ngọc Trường Chinh (Phó Tổng Giám đốc), Quan Minh Tuấn (Kế toán trưởng), bị xét xử tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.

Hàng loạt bị cáo là cán bộ Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, công chức hải quan, bị xét xử về các tội “Nhận hối lộ” hơn 7,3 tỷ đồng, gồm: Đào Thị Nga (cán bộ Chi cục thuế quận 1), Nguyễn Phương Nam (cán bộ Chi cục thuế quận 3), Ngô Huỳnh Lũy (cán bộ Chi cục thuế quận 5).

Nhiều bị cáo cũng thuộc Cục Thuế TP bị xét xử tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Trong đó, bị cáo Nguyễn Thị Bích Hạnh (SN 1969, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh) bị xét xử về tội “Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” vì đã có hành vi chỉ đạo, ký các quyết định hoàn thuế cho Thuduc House 15 kỳ (từ tháng 4/2018 đến 6/2019) trái quy định, bỏ qua các dấu hiệu rủi ro về thuế, không áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong quản lý hoàn thuế để có ý kiến chỉ đạo các bộ phận giải quyết hoàn thuế cho Thuduc House áp dụng đúng, đầy đủ quy trình và các văn bản hướng dẫn về quản lý hoàn thuế, gây thất thoát cho Nhà nước số tiền hơn 331,4 tỷ đồng.

Trong buổi sáng 6/6, HĐXX mới xong phần thủ tục. Phiên tòa sơ thẩm dự kiến kéo dài nhiều ngày.