Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của TP đạt 614.600 tỷ đồng, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành lưu trú, ăn uống giảm gần 50%, lữ hành giảm hơn 71%; hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách, bốc xếp và dịch vụ đại lý vận tải ước đạt 116.951 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ.
Lượng khách quốc tế đến TP trong 6 tháng chỉ đạt 1,3 triệu lượt người, giảm gần 70%; chỉ số sản xuất công nghiệp cũng giảm hơn 3% so với cùng kỳ… Trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng nguồn vốn đăng ký từ doanh nghiệp trong nước thành lập mới là 246.000 tỷ đồng, vốn FDI là 2,1 tỷ USD.
Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh thông tin thêm: Có 2 lý do, thứ nhất, ngành dịch vụ chiếm hơn 60% trong cơ cấu kinh tế của TP, do dịch Covid-19 đã tác động đến các ngành dịch vụ như du lịch, lưu trú... thời gian phục hồi không như mong muốn. Riêng năm 2019, TP có 8,6 triệu lượt khách quốc tế, thời gian lưu trú bình quân 3,5 ngày, mỗi ngày, mỗi du khách tiêu dùng 150 USD, riêng khoản khách giảm đã làm ảnh hưởng tổng cầu kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp lên tăng trưởng.
Thứ 2, tổng số doanh nghiệp của TP chiếm hơn 50% doanh nghiệp cả nước, nhưng trong đó số doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 90%, tỷ lệ doanh nghiệp có vốn trên 100 tỷ đồng chỉ chiếm hơn 2%, doanh nghiệp nhỏ dễ bị gãy đổ do đại dịch, tác động lên sự tăng trưởng kinh tế...”.
Cũng theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, hiện nay chưa tìm ra vaccine ngăn ngừa dịch, từ nay đến cuối năm 2020, TP vẫn phải hướng đến mục tiêu kép, triển khai ngăn chặn Covid-19, không để bùng phát trở lại, nếu để xảy ra dịch sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến kinh tế. Không được phép chủ quan, vẫn phải duy trì các biện pháp, phương án phòng chống dịch. Để đảm bảo duy trì tăng trưởng kinh tế (theo các kịch bản do Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh đưa ra, mức tăng trưởng của TP trong năm 2020 là 3 - 4% và cao nhất là 5%) phải có giải pháp quyết liệt mới đạt được kịch bản cao nhất, không có khả năng đạt được tăng trưởng kinh tế 8,3 - 8,5% như kế hoạch đặt ra.
Ông Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo các sở, ngành thực hiện một loạt các giải pháp, kích thích kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, ngăn tình trạng doanh nghiệp dừng hoạt động.
TP Hồ Chí Minh giao Sở Công Thương gặp gỡ, nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, doanh nghiệp nào hết đơn hàng, doanh nghiệp nào sắp cho người lao động nghỉ việc, bao nhiêu lao động sắp mất việc, doanh nghiệp cần vốn... cần phải có các số liệu cụ thể để phục vụ công tác dự báo tình hình...
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các địa phương, sở ngành tập trung vào nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách, phải đảm bảo mục tiêu đến 15/10 phải đạt mức giải ngân trên 80% và hướng đến cuối năm 2020 phải đạt mục tiêu giải ngân trên 95% như cam kết của TP với Chính phủ...