Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Vinh (Nghệ An): Đổi thay diện mạo, khẳng định vị thế 

Hoàng Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với sự chủ động, linh hoạt và quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, những năm gần đây, đặc biệt năm 2022, UBND TP Vinh đã để lại nhiều dấu ấn lớn với những thành tựu nổi bật trên nhiều lĩnh vực. 

Bài bản, quyết liệt !

TP Vinh những năm gần đây phát triển khá nhanh trên tất cả mọi lĩnh vực, nếu nhìn dưới góc độ hạ tầng, chúng ta ít nhiều sẽ thấy “choáng ngợp” về tốc độ phát triển của TP Vinh. Với quy hoạch bài bản, thu hút đầu tư tốt, bộ mặt thành phố dần thay đổi thấy rõ qua từng năm. Trong đó đáng chú ý là các dự án đầu tư bao quanh thành phố với hệ thống khu dân cư xanh, sạch của những nhà đầu tư tầm cỡ lớn trong nước được triển khai đồng bộ; dự án chỉnh trang thành cổ Vinh, hệ thống cấp thoát nước cho thành phố; chỉnh trang đô thị với việc mở rộng nhiều làn đường nội thị trọng điểm cũng như việc nâng cấp, chỉnh trang hệ thống thoát nước nhằm ngăn chặn tối đa những ngập úng vào mua mưa lũ; ngoài ra còn nhiều dự án lớn quan trọng như dự án ven sông Vinh, dự án các hồ điều hòa trên địa bàn TP Vinh...

Để làm được những việc đó, UBND Thành phố Vinh đã cụ thể hóa các Nghị quyết, Đề án, Chỉ thị bằng hệ thống văn bản chỉ đạo, quản lý, điều hành các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2022 trên các lĩnh vực theo kế hoạch đã đề ra, trong đó, chú trọng chỉ đạo tập trung triển khai trên một số mặt công tác: Rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung theo Quyết định số 827/QĐ-TTg ngày 12/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường hỗ trợ, kích hoạt, thúc đẩy phát triển kinh tế; các giải pháp về thu ngân sách, chống thất thu; công tác đền bù, GPMB, khai thác quỹ đất; công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. 

Tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả nhiều giải pháp, biện pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành: Tăng cường chấn chỉnh, rút kinh nghiệm các tồn tại, hạn chế theo kết luận của các đoàn chức năng về kiểm toán, thanh tra, kiểm tra công tác quản lý tài chính, đặc biệt là tại các dự án xây dựng cơ bản; ban hành văn bản tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó, yêu cầu phải xem giải ngân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành; định kỳ, đột xuất kiểm tra hiện trường các dự án trọng điểm gắn với từng dự án cụ thể; linh hoạt trong việc thực hiện các hoạt động giáo dục nhằm đạt chất lượng cao trong năm học 2021-2022.

Tích cực phối hợp với các Sở, ngành cấp Tỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, những vấn đề nổi cộm, phức tạp và triển khai nhiều giải pháp sáng tạo, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng; khai thác quỹ đất, giải quyết khu tập thể, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tồn đọng theo Kế hoạch số 815/KH-UBND của UBND tỉnh; đánh giá kết quả và tích cực ứng dụng hoạt động Trung tâm điều hành đô thị thông minh thành phố Vinh…

 Chủ tịch UBND TP Vinh Trần Ngọc Tú 
 Chủ tịch UBND TP Vinh Trần Ngọc Tú 

Nhờ sự chỉ đạo linh hoạt, quyết liệt từ lãnh đạo UBND TP và sự đồng sức đồng lòng của cấp phường, xã, đặc biệt là người dân, năm 2022 thành phố Vinh đã gặt hái được nhiều thành tựu lớn, nổi bật như: Chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thu ngân sách ngay từ đầu năm. Kết quả thu ngân sách năm 2022 ước đạt 3.538,8 tỷ đồng, đạt 170,5% dự toán Tỉnh giao, 109,7% dự toán HĐND Thành phố giao, tăng 38,5% so với cùng kỳ (trong đó: Thu tiền sử dụng đất từ dự án thành phố được hưởng tỷ lệ điều tiết 100% theo cơ chế đặc thù từ Nghị quyết số 02/2021/NQ-HĐND là 1.080 tỷ đồng), các khoản thu, sắc thuế đều hoàn thành và vượt dự toán được giao, một số khoản thu đạt cao như: Thu tiền sử dụng đất: 2.268,4 tỷ đồng, đạt 216,0% dự toán Tỉnh giao, 105,5% dự toán HĐND Thành phố giao, tăng 67,6% so với cùng kỳ; Thu ngoài quốc doanh: 440,1 tỷ đồng, đạt 118,9% dự toán Tỉnh giao, đạt 117,4% dự toán HĐND TP giao, tăng 10,5% so với cùng kỳ; Thuế thu nhập cá nhân: 205 tỷ đồng, đạt 164% dự toán Tỉnh giao, đạt 151,9% dự toán HĐND TP giao, tăng 38,7% so với cùng kỳ; Thu khác: 108,9 tỷ đồng, đạt 145,3% dự toán Tỉnh giao, đạt 136,2% dự toán HĐND TP giao, tăng 17,9% so với cùng kỳ; tăng cường các biện pháp truy thu nợ đọng với số tiền 216,5 tỷ đồng.

Đã đưa Phố đi bộ thành phố Vinh chính thức vận hành đi vào hoạt động với nhiều loại hình kinh doanh, dịch vụ, văn hóa, văn nghệ,... Tập trung kích hoạt, hỗ trợ phát triển kinh tế, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thu hút doanh nghiệp, doanh nhân và người lao động tham gia phát triển kinh tế, trong đó chú trọng kinh tế đêm Thành phố. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề nổi cộm, phức tạp, kéo dài, ưu tiên tập trung thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến độ bồi thường GPMB các công trình, dự án trọng điểm, tạo động lực và đồng hành với các nhà đầu tư, đến nay, các dự án trọng điểm trên địa bàn đã cơ bản hoàn thành công tác GPMB đảm bảo tiến độ để nhà đầu tư triển khai, như: Dự án Việt Lào tại xã Hưng Hoà, Dự án khu đô thị tại phường Cửa Nam – Đông Vĩnh, Hưng Lộc - Nghi Phú, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội thành phố Vinh.

Chăm lo thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, đặc biệt, tổ chức nhiều hoạt động Đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ, xây dựng nhà ở đối với người có công có hoàn cảnh khó khăn trong dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh liệt sỹ 27/7 thiết thực, có ý nghĩa. Công tác giáo dục, đào tạo tiếp tục được duy trì và phát triển, đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi, giữ vững là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về chất lượng giáo dục. Công tác giải quyết đơn thư phức tạp, tồn đọng, kéo dài đạt hiệu quả, không để đơn thư phức tạp phát sinh. Hoàn thành 22/22 chỉ tiêu (nhóm chỉ tiêu) trong đó có nhiều chỉ tiêu vượt trội đã được đề ra tại Kế hoạch số 269/KH-UBND ngày 15/12/2021 về nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2022, góp phần thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025...

Không gian đô thị biển !

Ngày 9/8/2022, trên cơ sở phân tích, đánh giá, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã thống nhất phương án mở rộng TP Vinh với việc sáp nhập thêm 6 xã, gồm các xã: Nghi Thạch, Nghi Xuân, Nghi Phong, Phúc Thọ, Nghi Thái, Khánh Hợp thuộc huyện Nghi Lộc và toàn bộ thị xã Cửa Lò vào địa giới hành chính, không gian đô thị TP Vinh để tiến hành các bước tiếp theo, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đây là phương án được xem là phù hợp nhất với quy hoạch chung của TP Vinh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 52/QĐ-TTg. Đồng thời, theo nhận định, đánh giá thì số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, xã ảnh hưởng ít, số lượng cán bộ công chức dôi dư sau sáp nhập cũng ít nhất. Đặc biệt là liên quan trung tâm hành chính của huyện Nghi Lộc, sau sáp nhập sẽ không phải di dời, giảm đầu tư các công trình, hạ tầng.

Chia sẻ về điều này, Chủ tịch UBND TP Vinh Trần Ngọc Tú cho rằng, TP Vinh  đang nâng cấp, cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng bằng cách tập trung ngân sách để đầu tư; kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp và các cụm công nghiệp trên địa bàn, đồng thời triển khai kế hoạch chỉnh trang đô thị, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật - xã hội gắn với các giải pháp huy động nguồn lực để thực hiện, phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Thành phố cũng chú trọng phát triển các cơ sở lưu trú tại khu vực trung tâm TP Vinh và thị xã Cửa Lò, tạo điều kiện thuận lợi để hình thành hệ thống khách sạn 5 sao, các khu nghỉ dưỡng; thu hút các dự án khu vui chơi giải trí tổng hợp, ẩm thực phía Nam, phía Tây Nam TP Vinh; khu du lịch tâm linh kết hợp vui chơi giải trí tại khu Lâm viên Núi Quyết - Bến Thủy...

 Trong tương lai gần, TP Vinh sẽ thay đổi diện mạo mạnh mẽ hơn nữa, sẽ là thành phố biển, điểm nhấn khu vực Bắc Trung Bộ. 
 Trong tương lai gần, TP Vinh sẽ thay đổi diện mạo mạnh mẽ hơn nữa, sẽ là thành phố biển, điểm nhấn khu vực Bắc Trung Bộ. 

Đô thị Vinh sẽ phát triển theo mô hình “Đô thị đa cực sinh thái phi tập trung, nhất thể hóa giữa đô thị với nông thôn và tự nhiên”. Trong đó, tập trung phát triển trọng điểm du lịch Cửa Lò, hình thành các khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Cửa Lò - Đảo Ngư; Phát triển các điểm du lịch, các khách sạn cao cấp, các Trung tâm lữ hành tại khu vực Vinh; Xây dựng, hình thành các tuyến du lịch tham quan và các tuyến du lịch sinh thái, khám phá Sông Lam - Núi Quyết.

Trong kế hoạch “cởi trói” cho không gian đô thị, thì Cảng hàng không Vinh được nâng cấp, và cải tạo nhà ga đường sắt hiện hữu; quy hoạch tuyến đường sắt cao tốc và bố trí nhà ga đường sắt cao tốc tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên. Đường cao tốc Bắc - Nam nằm phía Tây thành phố sẽ có mặt cắt 8 làn xe rộng 100 m; bố trí điểm kết nối với đô thị tại giao điểm với trục Hưng Tây - Vinh - Cửa Lò. Mở rộng Quốc lộ 1A (đoạn Nam Cấm - Quán Bánh) và đoạn tránh TP. Vinh có mặt cắt ngang rộng 100 m; xây dựng đường ven biển đi qua Cửa Lò có mặt cắt ngang rộng 60 m. Nghiên cứu tiếp tục xây dựng các cầu qua sông Lam kết nối với huyện Nghi Xuân - Hà Tĩnh. Hệ thống bến xe khách liên tỉnh gồm: Bến xe phía Bắc tại xã Nghi Kim, bến xe phía Tây tại xã Hưng Đạo (huyện Hưng Nguyên), bến xe phía Nam tại xã Hưng Lợi...

TP Vinh tương lai gần chắc chắn sẽ trở thành đô thị thông minh, trung tâm của khu vực Bắc Trung bộ trên các lĩnh vực thương mại, du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, công nghiệp công nghệ cao. Sẽ đạt được kỳ vọng, con đường hoạch định chiến lược là thành phố biển, điểm nhấn về sự thịnh vượng với khu vực Bắc Trung Bộ.