TP Vinh (Nghệ An): Lãng phí tiền tỷ từ các bãi rác thải xây dựng

Trần Quang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ năm 2009, UBND tỉnh Nghệ An đã chấp thuận chủ trương quy hoạch đầu tư xây dựng 5 bãi rác thải tạm thời tại 4 xã, phường vùng ven đô của TP Vinh để thu gom, tập kết rác thải xây dựng.

Thế nhưng, sau khi các bãi tập kết rác thải xây dựng được đưa vào sử dụng vẫn không phát huy hết hiệu quả, gây lãng phí tiền tỷ và hàng chục ngàn mét vuông đất đã được quy hoạch trong suốt gần 10 năm qua.
Đầu tư tiền tỷ để xây bãi rác tạm thời

Trong quá trình đẩy nhanh tốc độ phát triển đô thị hoá, TP Vinh đã có nhiều dự án đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhà ở… Cùng với đó, một khối lượng lớn vật liệu xây dựng từ các công trình sẽ phải được đổ đi để xử lý. Trước yêu cầu cấp bách này, từ năm 2009, UBND TP Vinh đã trình các cấp có thẩm quyền để phê duyệt đề án “Xây dựng bãi tập kết rác thải xây dựng tạm thời trên địa bàn TP. Vinh”. Tiếp đó, vào ngày 2/6/2009, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt đề án nói trên tại Quyết định số 13/2009/QĐ-UBND và các văn bản liên quan để tập kết, xử lý rác thải xây dựng trên địa bàn TP Vinh.
 Rác thải xây dựng vẫn đổ tràn lan ra khu vực sông Cửa Tiền thuộc Phường Vinh Tân, TP Vinh
Sau khi có Quyết định số 13/2009/QĐ-UBND, TP Vinh sẽ được các cấp chấp thuận phân bổ nguồn vốn 3.052.857.000 đồng để xây dựng 5 bãi rác thải xây dựng tại 3 xã Hưng Đông, Nghi Liên, Nghi Kim và phường Vinh Tân. Theo đó, các xã, phường nằm ở vùng ngoại ô của TP Vinh có trách nhiệm rà soát, quy hoạch hàng chục nghìn m2 để xây dựng bãi rác thải. Cụ thể, xã Hưng Đông sẽ có 2 vị trí xây dựng bãi rác thải gồm: vị trí 1 có diện tích là 9.938m2 (tổng mức đầu tư 200 triệu đồng) và vị trí 2 có diện tích 14.980m2 (tổng mức đầu tư 1,2 tỷ đồng); tại xã Nghi Kim với diện tích là 20.329m2 (tổng mức đầu tư 850 triệu đồng); Xã Nghi Liên có 1 vị trí có diện tích là 35.380m2 (mức đầu tư 400 triệu đồng); tại phường Vinh Tân với diện tích là 16.325m2 (mức đầu tư 400 triệu đồng). Các hạng mục công trình của bãi rác thải xây dựng gồm bờ tường bao, biển chỉ dẫn, đường vào, nhà điều hành…cũng được triển khai thi công trong thời gian ngắn theo kế hoạch đề ra.
 
Dự kiến, sau khi 5 vị trí bãi tạm tập kết, xử lý rác thải xây dựng hoàn thành sẽ giải quyết hàng trăm nghìn mét khối rác thải xây dựng cho TP Vinh hàng năm. Việc xây dựng các bãi rác thải tạm để tập kết, xử lý rác thải xây dựng trên địa bàn TP Vinh để góp phần làm “sạch” các tuyến phố trong đô thị. Cùng với đó, công tác quản lý trật tự đô thị, nhất là xử lý các tổ chức, cá nhân tự ý tập kết các loại rác thải xây dựng trên hành lang vỉa hè, nơi công cộng…ở TP Vinh đã được thực hiện rất nghiêm túc trong thời gian qua. Mục đích là nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp phải vận chuyển rác thải xây dựng đến đổ đúng nơi quy định.
 
Nguy cơ lãng phí đất quy hoạch

Tuy nhiên, trong suốt gần 10 năm, các bãi rác thải xây dựng này vẫn không phát huy được hiệu quả như trong đề án đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt. Điều đáng nói là sau khi các công trình này hoàn thành, đưa vào sử dụng trong thời gian ngắn đã có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng.
Rác thải sinh hoạt vẫn được đổ lộn với rác thải xây dựng tại  bãi rác tạm tập kết, thu gom rác thải xây dựng tại khối 1, phường Vinh Tân.
Đơn cử, tại bãi rác thải tạm ở khối 1, phường Vinh Tân (ngay sát sông Cửa Tiền) sau khi hoàn thành thì rác thải từ TP Vinh vẫn vô tư đổ bừa bãi. Theo phản ánh của người dân, bãi rác thải hoàn thành nhưng nhiều xe vận tải chở vật liệu xây dựng từ các công trình nâng cấp, cải tạo không đến đây đổ mà xả vung vãi xung quanh khu vực sông Cửa Tiền. Đây cũng là bãi rác được quy hoạch nhằm phục vụ việc tập kết phế thải xây dựng khu vực phía Nam TP Vinh. Thế nhưng, do công tác quản lý, điều hành lỏng lẻo nên tình trạng rác thải xây dựng vẫn đổ không đúng nơi quy định. Không chỉ vậy, ngoài rác thải xây dựng còn có rác thải sinh hoạt vẫn được tập kết một cách lộn xộn tại đây.
 
Còn tại các vị trí bãi tập kết rác thải xây dựng ở xã Hưng Đông, Nghi Kim, Nghi Liên (phục vụ toàn bộ khối lượng phế thải xây dựng khu vực phía Bắc TP Vinh) thì thực trạng cũng xảy ra tương tự. Theo tìm hiểu thì nguyên nhân dẫn đến các bãi rác thải chưa phát huy được hiệu quả là do khâu quy hoạch thiếu đồng bộ về vị trí, diện tích, hạ tầng kỹ thuật, nhân viên giám sát, điều hành, biển chỉ dẫn… Riêng tại bãi tập kết rác thải xây dựng ở phường Vinh Tân được quy hoạch ngay sát bờ sông Cửa Tiền nên các phương tiện vận chuyển đến đây theo kiểu “tiện đâu đổ đó” gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, diện tích chứa rác thải xây dựng tại bãi tập kết tại các xã Nghi Liên, Nghi Kim, Hưng Đông vẫn còn nhiều chỗ trống chưa được lấp đầy.
Điều đáng nói là từ khi tiến hành xây dựng các bãi rác thải tạm thì việc thu gom, xử lý rác thải xây dựng trên địa bàn TP Vinh được UBND thành phố bố trí kinh phí hàng năm và giao cho Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Nghệ An.
 
Tuy nhiên, tình trạng rác thải xây dựng đổ không đúng nơi quy định vẫn còn diễn ra trong suốt gần 10 năm qua. Trước vấn đề này, vào tháng 9/2014 đến nay, UBND Thành phố Vinh đã ban hành Công văn 4232/UBND-QLĐT chính thức bàn giao lại công tác xử lý rác thải xây dựng trên địa bàn cho các phường, xã của thành phố.Thế nhưng, công tác xử lý rác thải xây dựng trong thời gian qua còn theo kiểu đối phó, chưa chủ động và triệt để. Đặc biệt, tình trạng rác thải xây dựng vẫn còn tập trung cho các điểm đông khu dân cư, các tuyến đường chính, quốc lộ, các điểm tập kết xe rác công cộng của Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Nghệ An…

Được biết, trước tình trạng này, tại nhiều cuộc họp, UBND TP Vinh cũng đã đưa ra bàn luận nhưng đến nay vẫn chưa tìm được giải pháp khả quan để phát huy hết hiệu quả của các bãi rác thải tạm tập kết, thu gom rác thải xây dựng. Nguy cơ rác thải xây dựng “bức tử” các tuyến phố, nơi công cộng trên địa bàn TP Vinh vẫn đang diễn ra. Chính vì vậy, đề án “Xây dựng bãi tập kết rác thải xây dựng tạm thời trên địa bàn TP. Vinh” sử dụng vốn đầu tư trên 3 tỷ đồng cùng với việc quy hoạch hàng chục ngàn m2 đất vùng ven đô thị từ năm 2009 đến nay đang có nguy cơ bị lãng phí là điều khó tránh khỏi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần