Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay đã xác nhận thông tin này và cho biết, việc ký kết này sẽ chính thức đánh dấu sự hoàn tất của tiến trình đàm phán TPP.
Bộ trưởng Todd McClay nhấn mạnh, TPP sẽ giúp New Zealand tiết kiệm khoảng 168 triệu USD tiền thuế/năm. Ngoài ra, TPP sẽ giúp nền kinh tế New Zealand thu thêm ít nhất là 1,74 tỷ USD/năm.
Hiện, các nước thành viên tham gia đàm phán TPP đang nỗ lực thực hiện các bước cuối cùng để thúc đẩy Quốc hội của các thành viên sớm phê chuẩn hiệp định.
Không chỉ đặt mục tiêu kết nối 12 nền kinh tế đang chiếm 40% GDP thế giới, TPP còn là một khung khuôn khổ pháp lý có ảnh hưởng tới cả vấn đề ngăn chặn lao động trẻ em, quy định bảo vệ môi trường và đại dương, và các quy định nhằm chống lại nạn buôn bán động vật hoang dã. Theo Tổng thống Mỹ Barack Obama, hiệp định này không chỉ là một thỏa thuận mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, mà còn phản ánh những giá trị chung của nền thương mại toàn cầu.
Việc ký kết các hiệp định thương mại tự do với các đối tác lớn như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, đều là các thị trường xuất khẩu lớn nhất nhì của Việt Nam, sẽ giúp Việt Nam mở rộng quan hệ kinh tế thương mại với các nước đồng thời thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, tăng cường tham gia các chuỗi giá trị khu vực, phát triển dịch vụ, đổi mới cơ cấu nền kinh tế.
Ngoài ra, việc tham gia hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới cũng tạo điều kiện cho Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế, thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội sẽ là những thách thức không hề nhỏ đối với kinh tế Việt Nam như giảm thu ngân sách từ thuế nhập khẩu, sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa, dịch vụ trong nước, sức ép cải cách thể chế, chất lượng nguồn nhân lực, trình độ khoa học công nghệ chưa cao…
Trước đó, chi tiết nội dung hiệp định TPP cũng đã được 12 quốc gia thành viên chính thức công bố vào ngày 5/11, đúng 1 tháng sau khi các bên đạt được thỏa thuận khung cuối cùng về việc thông qua TPP.