Phân xưởng cắt, may veston tại Tổng Công ty May 10. Ảnh: Tú Oanh
|
Nếu được ký kết nó sẽ mở ra nhiều cơ hội với nhiều ngành hàng mà Việt Nam có lợi thế trong đó "nóng" nhất vấn là mật hàng dệt may bởi lẽ ngành hàng này của Việt Nam có sức cạnh tranh quốc tế, có tiềm năng được hưởng lợi nhiều nhất từ các hiệp định thương mại (FTA) nói chung và từ TPP nói riêng - lý do mà dệt may được ưu tiên hàng đầu trong đàm phán TPP. Tuy nhiên, dù có "tiềm năng" hưởng lợi nhiều nhất, song ngành dệt may sẽ khai thác tiềm năng đó được đến mức nào còn phụ thuộc phần lớn vào cách tiếp cận tích cực của các doanh nghiệp (DN)…
Khối đàm phán TPP: Thị trường quan trọng nhất
Chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về cơ hội mà TPP mang lại cho các DN dệt may Việt Nam, ông Lê Tiến Trường - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đánh giá: Trong khối đàm phán TPP có 2 thị trường rất quan trọng là Mỹ và Nhật Bản. Thị trường Mỹ hiện chiếm 43% tổng kim ngạch XK dệt may của Việt Nam, Nhật Bản chiếm 11% và các nước TPP khác chiếm khoảng 4%. Do đó, nếu đàm phán TPP thành công góp phần thúc đẩy tốt vào đầu tư nguyên liệu, thì các chỉ tiêu về xuất siêu, giá trị gia tăng, tỷ lệ nội địa hóa (NĐH) của ngành đều sẽ được nâng cao. Dự kiến ngành sớm đạt mục tiêu NĐH tới 60% vào năm 2015 và 70% năm 2020. Năm 2013, ngành dệt may đạt giá trị xuất siêu từ nhập khẩu (NK) nguyên liệu sản xuất khoảng 10 tỷ USD. Nếu quy mô này được cải thiện, năm 2015 XK dệt may đạt khoảng 30 tỷ USD thì lúc đó, giá trị doanh thu để lại tại thị trường Việt Nam sẽ đạt tới 17 tỷ USD.
"Đặc biệt hiện nay, các DN XK hàng may mặc qua Mỹ phải chịu thuế suất từ 17 - 20% nhưng khi TPP được thông qua, các mặt hàng may mặc của Việt Nam sang thị trường này đáp ứng được các quy định của TPP sẽ được hưởng thuế suất 0%. Đó là lợi thế rất lớn cho các DN, và cũng là yếu tố quan trọng góp phần gia tăng đơn hàng XK cho ngành dệt may" - ông Trường nói.Đại diện Vitas cũng cho biết, với mỗi 1 tỷ USD XK hàng dệt may có thể tạo ra việc làm cho 150.000 - 200.000 lao động, trong đó có 100 ngàn lao động trong DN dệt may và từ 50.000 -100.000 lao động tại các DN hỗ trợ khác. Thu nhập trung bình tại các DN dệt may hiện đạt trên 2.000 USD/công nhân và năm 2015 dự kiến trên 3.000 USD/công nhân. Như vậy, thu nhập của công nhân dệt may năm 2015 vẫn cao gấp đôi GDP bình quân đầu người cả nước.
“Mù mờ” về TPP: Lợi thế dễ thành bất lợi
Theo các chuyên gia, tuy XK dệt may Việt Nam có thể đạt ngưỡng 20 tỷ USD trước khi ký kết TPP, nhưng quy mô sử dụng các loại nguyên liệu của Việt Nam chưa đạt tới 10 tỷ USD thì chưa là quy mô hấp dẫn để DN đầu tư vào sản xuất nguyên liệu. Muốn đẩy mạnh được khu vực sản xuất này, nâng cao tỷ lệ NĐH thì một yếu tố tiên quyết là phải tăng được quy mô XK.
Trong khi đó, có những đánh giá cho thấy các DN đang khá mù mờ về TPP, đặc biệt là hiểu biết về những điều khoản trong đó. Theo ông Trường, đây là trách nhiệm của cộng đồng DN, phải có sự chủ động cao hơn, bởi đó là những yếu tố thiết thực ảnh hưởng trực tiếp đến DN trong dài hạn. Điều này để tránh bị động khi đã ký kết TPP mà lại không tận dụng được các thuế quan ưu đãi khi thỏa mãn các điều kiện; tránh tình trạng khi Hiệp định có hiệu lực, nảy sinh khó khăn thì DN mới kiến nghị, lúc ấy không còn thời gian để chúng ta thay đổi nữa. Ngoài ra, muốn tận dụng hiệu quả cao nhất từ TPP, các DN nên hình thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ thiết kế - nguyên phụ liệu - may - phân phối và có cam kết, có cộng đồng trách nhiệm để xây dựng năng lực cạnh tranh của toàn chuỗi với mục tiêu biến TPP thành cú hích quan trọng cho dệt may Việt Nam tăng trưởng bền vững. Hơn nữa, DN cần tận dụng thời cơ này để tích lũy tiềm lực mọi mặt nhằm xây dựng năng lực cạnh tranh thực sự, chứ không nên coi TPP là "liều thuốc tiên vĩnh cửu" và yên tâm "ngủ quên" trên những ưu đãi trước mắt.