Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trà dược thanh nhiệt độc đáo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mùa hè, tiết trời nóng bức, nhu cầu bổ sung nước cho cơ thể rất lớn. Uống đủ nước tinh khiết đã là tốt, nhưng nếu có một thứ đồ giải khát nào đó vừa đảm bảo cung cấp nước và muối, lại vừa có tác dụng điều hòa công năng các tạng phủ, làm mát và bổ dưỡng cơ thể thì thật hữu dụng.

Trà dược thanh nhiệt giải thử của y học cổ truyền là một trong những loại đồ uống có khả năng như vậy.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Trong kho tàng kinh nghiệm dân gian và các sách thuốc đời xưa, loại trà dược này rất phong phú, song điều quan trọng là biết lựa chọn những công thức đơn giản, dễ kiếm, dễ chế mà vẫn đảm bảo được hiệu quả. "Mạch đông lô căn ẩm" là loại trà điển hình, mà không phải ai cũng biết. Chỉ cần 120g Mạch đông và 150g Lô căn, rửa sạch, thái vụn, phơi hoặc sấy khô, trộn đều rồi đựng trong lọ kín để dùng dần. Mỗi lần lấy 30g hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút là có thể dùng được, uống thay trà trong ngày, có thể chế thêm một chút đường phèn cho dễ uống. Loại trà này được Đông y giải thích "Thanh nhiệt giải thử, chỉ khát trừ phiền", hợp dùng khi thời tiết nóng bức, mất nhiều mồ hôi, cơ thể mỏi mệt, họng khô miệng khát, đầu nặng, mắt hoa, ngực bụng bồn chồn không yên; dự phòng tích cực tình trạng say nắng, say nóng và các bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp, viêm đường tiết niệu, viêm da...

Loại trà dược này thực chất có nguồn gốc từ bài thuốc cổ "Mạch đông lô căn thang" do Tôn Tư Mạo - y gia trứ danh đời Đường (Trung Quốc), người từng được hậu thế tôn vinh là "dược vương" sáng chế. Trên cơ sở này, các y gia đời sau đã phát triển và chế ra nhiều bài thuốc khác có công năng tương tự, ví như Ngô Cúc Thông - y gia đời Thanh, đã chế ra "Ngũ chấp ẩm" gồm nước ép của 5 loại củ quả và dược liệu là lê, mã thầy, rễ lau, mạch đông và ngó sen.

Mạch đông có nhiều tên gọi như mạch môn đông, giai tiền thảo, lan tiên... và vì nhìn giống lá hẹ, mùa Đông vẫn xanh tốt, nên còn được gọi là nhẫn đông thảo, bất tử thảo. Cây Mạch đông có rễ, củ rất mềm, chứa nhiều nước, tính mát, vị ngọt này có công dụng khá đặc biệt như nhuận phế dưỡng âm, thanh tâm trừ phiền, thanh nhiệt giảm ho. Sách Bản thảo tân biên đã viết: Mạch đông có tác dụng làm hết hỏa tà ẩn nấp trong phế, thanh trừ nhiệt tà trong vị, bổ tâm khí, cầm máu, chống nôn, ích tinh dưỡng âm, giải khát trừ phiền, làm cho da khỏe và đẹp, có lợi cho nhan sắc, trừ hư nhiệt, chữa phế táo và giảm ho.

Theo dược học hiện đại, mạch đông có chứa nhiều tinh dầu, gluco và nhiều chất khác, trong đó đặc biệt có tới 28 nguyên tố vi lượng rất cần cho cơ thể. Kết quả nghiên cứu dược lý cho thấy, mạch đông có tác dụng kháng khuẩn, trấn tĩnh và chống co giật, tăng cường khả năng chịu đựng của cơ thể trong điều kiện thiếu ôxy, cải thiện sức co bóp cơ tim, bảo hộ tế bào cơ tim, nâng cao năng lực miễn dịch của cơ thể, điều hòa đường huyết và làm tăng sự vận chuyển thức ăn trong đường tiêu hóa.

Còn Lô căn là rễ của cây lau, còn được gọi là vĩ căn, thuận giang long, lô đông căn, lô sài căn, lô thông... tính lạnh, vị ngọt, có công dụng thanh nhiệt, thường được dùng để chữa các chứng bệnh có sốt gây mất nước, nôn do vị nhiệt, viêm họng, viêm loét môi miệng, viêm quanh răng, viêm đường tiết niệu và các chứng viêm nhiệt khác. Theo kinh nghiệm của người xưa, trong mùa hè thu, dịch chiết Lô căn có khả năng bổ sung lượng nước đã mất qua đường mồ hôi, đồng thời còn kích thích tiêu hóa, tạo ra cảm giác thèm ăn. Nhà dược học vĩ đại Lý Thời Trân đã khuyên: Muốn lợi cho tiêu hóa nên dùng Lô căn, hậu phác. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, Lô căn có tác dụng giải nhiệt, trấn tĩnh và giảm đau. Theo kinh nghiệm của cổ nhân, Lô căn thường được phối hợp với Mạch đông hoặc Ngọc trúc để làm tăng tác dụng thanh nhiệt.