Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể liên tục nhận trách nhiệm

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Từ 8 giờ sáng đến 15 giờ hôm nay 4/6, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã đăng đàn đầu tiên trong phiên chất vấn được áp dụng cách thức "hỏi nhanh, đáp gọn". Tư lệnh ngành GTVT đã thẳng thắn nhận trách nhiệm với những tồn tại, hạn chế của ngành.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đăng đàn đầu tiên với nhóm nội dung về việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong cả nước, nhất là tại các thành phố lớn; giải pháp xử lý những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT).
Nhóm vấn đề này đã có 36 ĐB đặt câu hỏi, 18 đại biểu Quốc hội với 21 lượt tranh luận. Gần 15 giờ, còn 17 ĐB Quốc hội đăng ký nhưng do thời gian dành cho Bộ trưởng Bộ GTVT đã hết nên các ĐB sẽ gửi câu hỏi và Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời bằng văn bản.
Nhóm vấn đề thứ nhất cũng được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tham gia giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề ĐB đã nêu. Phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề này đã diễn ra sôi nổi, các đại biểu đã đặt câu hỏi thẳng thắn, cụ thể, ngắn gọn, theo tinh thần đổi mới hoạt động chất vấn của Quốc hội, phản ánh được những ý kiến trăn trở, bức xúc của người dân.
Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Mặc dù mới đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng chưa đầy 8 tháng, nhưng với kinh nghiệm đã từng công tác trong ngành GTVT, với những kết quả và biện pháp chỉ đạo, điều hành trong thời gian qua; Bộ trưởng đã cơ bản bao quát được vấn đề, nắm chắc tình hình thực trạng và đã trả lời làm rõ hầu hết các vấn đề được ĐB Quốc hội chất vấn và Bộ trưởng đã thắng thắn nhận trách nhiệm, xin lỗi và hứa sửa chữa một số tồn tại, hạn chế của ngành giao thông vận tải nói chung.
Ngay trong 5 phút báo cáo tổng quan, khi chưa bước vào phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng đã thay mặt Bộ GTVT, thay mặt những người nguyên là cán bộ GTVT, nhận trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Bộ trưởng cũng đã nói xin lỗi ở một số vấn đề. Đơn cử như đối với vấn đề của ngành đường sắt khi bị đại biểu chất vấn về việc trong báo cáo của Bộ GTVT chỉ có 3 dòng nói về ngành này. Đường sắt, theo đó bị nhiều đại biểu cho rằng đang bị "bỏ rơi".
Bộ trưởng nói: “Thật ra, chúng tôi rất quan tâm tới đường sắt. Trong báo cáo với Quốc hội, chúng tôi cũng xin lỗi!”
Hay: “Chúng tôi cũng thành thật xin lỗi người dân, những người bị tai nạn giao thông, liên quan đến đường sắt”.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trước những chất vấn của các đại biểu Quốc hội cũng luôn bày tỏ thái độ ghi nhận. Điều này được ông thể hiện qua rất nhiều lần sử dụng cụm từ "xin tiếp thu". Ví dụ như khi nói về việc hoàn thiện thể chế cho đầu tư các dự án hạ tầng.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đã đưa ra rất nhiều lời hứa, lời cam kết đối với công tác cuả ngành GTVT, vốn được xem là ngành kinh tế quan trọng, ảnh hưởng tới hầu hết các nhóm ngành nghề trong nền kinh tế.
Nhiều lời hứa của Bộ trưởng liên quan đến việc nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng, vốn được đông đảo người dân quan tâm.
Lời hứa thông tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận thậm chí đã được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc lại tại Nghị trường. Bà nói: "Đại biểu hỏi đoạn Trung Lương tới Mỹ Thuận thôi, đoạn Mỹ Thuận tới Cần Thơ đại biểu chưa hỏi. Nhưng đồng bằng sông Cửu Long nhân dân đã nghe Bộ trưởng hứa tới 2020 đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ thông tuyến, Bộ trưởng nhớ lời hứa này".
Liên quan đến đường sắt, Bộ trưởng khẳng định là không có chuyện bỏ rơi. Đồng thời, Bộ trưởng cũng cho biết đến năm 2019 theo chương trình, Bộ GTVT sẽ trình đề án đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao.
Đối với vấn đề an toàn giao thông, Tư lệnh ngành GTVT cũng có những cam kết nhất định, khẳng định sẽ tìm giải pháp hạn chế những sự vụ đau thương như đã xảy ra trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, trong trả lời còn một số nội dung ĐB chưa hài lòng, chưa thỏa đáng nên đã tranh luận để tiếp tục làm rõ.
Lĩnh vực GTVT tác động trực tiếp đến đời sống xã hội và sinh hoạt hàng ngày của nhân dân nên được các ĐB Quốc hội, cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, ngành GTVT đã được một số thành quả rất đáng ghi nhận, huy động được nguồn lực rất lớn trong xã hội để tham gia phát triển hạ tầng giao thông theo các hình thức BOT, PPP đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế thì còn rất nhiều vấn đề cần phải tiếp tục triển khai đòi hỏi phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa mới có thể chuyển biến một cách tích cực.
Qua chất vấn và ý kiến của các vị ĐB Quốc hội cho thấy vấn đề quy hoạch, quản lý quy hoạch, đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, chất lượng công trình giao thông của nước ta còn nhiều hạn chế, yếu kém, lạc hậu, mất cân đối trong đầu tư. Phát triển các loại hình giao thông hiện nay đang là điểm nghẽn của quá trình phát triển. Nhiều công trình chậm tiến độ, ùn, tổng mức đầu tư tăng và có thể nói rằng chất lượng đào tạo lái xe, ý thức tham gia của người dân vẫn còn kém nên tai nạn giao thông vẫn còn nghiêm trọng. Ùn tắc giao thông ở các TP lớn ngày càng bức xúc. Việc đầu tư các dự án BOT đường bộ trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu sót nhưng chưa được xử lý một cách căn bản, gây phản ứng trong dư luận và xã hội.
Hạn chế yếu kém trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan có nội dung, nguyên nhân từ hệ thống chính sách pháp luật chưa đồng bộ nhưng cũng có điểm xuất phát từ khâu điều hành quản lý.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của các ĐB Quốc hội, triển khai hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài liên quan đến nhiệm vụ, lĩnh vực đã được chất vấn.