Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên: Chủ động và linh hoạt

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, trong học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... đó là một trong những nội dung đang được tập trung thực hiện để việc học và làm theo Bác ngày càng hiệu quả.

Thanh niên tình nguyện quận Ba Đình hướng dẫn người dân lấy số thứ tự khi giao dịch hành chính. Ảnh: Đình Lãm  
Thanh niên tình nguyện quận Ba Đình hướng dẫn người dân lấy số thứ tự khi giao dịch hành chính. Ảnh: Đình Lãm  

Lấy hiệu quả làm thước đo

Năm 2022, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch
Hồ Chí Minh tiếp tục được các đơn vị tại Hà Nội đẩy mạnh bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả. Trong đó, chú trọng thực hiện tốt phương châm nêu gương “nói đi đôi với làm”; lấy đổi mới là phương pháp tư duy, lấy hiệu quả nêu gương và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ được giao làm cơ sở để đánh giá kết quả học và làm theo Bác.

Thực tế thời gian qua cho thấy, ở cấp TP, việc học và làm theo Bác được thể hiện ở việc xây dựng phong cách, tác phong công tác, bảo đảm gần dân, sát dân, lắng nghe, đối thoại với Nhân dân; chống bệnh thành tích, hình thức. Trong đó, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền đối với việc giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc, nổi cộm, hạn chế, yếu kém ở mỗi lĩnh vực, địa phương, đơn vị, củng cố niềm tin trong Nhân dân.

Tại cơ sở, nhiều đơn vị xây dựng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp phù hợp với đặc thù từng ngành, lĩnh vực, gắn với học tập với làm theo. Nhiều cơ quan, đơn vị đã chú trọng xây dựng các tiêu chí văn hóa ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, chống sách nhiễu, gây phiền hà cho Nhân dân; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân...

Với cách làm linh hoạt, sáng tạo, chủ động, nhiều đơn vị đã áp dụng các nội dung học và làm theo tấm gương của Bác vào thực tế để triển khai với yêu cầu ngày càng cao, nhất là những lĩnh vực gắn chặt với đời sống người dân, tạo ra những mô hình hay, có sức lan tỏa cao.

Tại quận Tây Hồ, các đơn vị xây dựng các tiêu chí về chuẩn mực đạo đức phù hợp với đặc điểm nghề nghiệp và tiêu chuẩn đạo đức của từng ngành, đơn vị bảo đảm ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện. Nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả được nhân rộng, tạo sức lan tỏa, góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin và tạo sự chuyển biến tích cực về hành động của các tổ chức, mỗi cá nhân như “Cải cách hành chính, gần dân, sát dân, vì Nhân dân phục vụ”; “Công chức áo xanh” hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính...

Đặc biệt, từ phong trào “Ba trách nhiệm” (Trách nhiệm với công việc; Trách nhiệm với Nhân dân; Trách nhiệm với chính mình) của Đoàn Khối các cơ quan TP Hà Nội, tại nhiều đơn vị, với vai trò xung kích của tuổi trẻ đã hình thành các mô hình "Ngày thứ bảy tình nguyện giải quyết công việc còn tồn đọng", "Ngày chiến sĩ tình nguyện hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân", "Tổ thanh niên xung kích hướng dẫn đăng ký kinh doanh qua mạng"…

Đồng thời, từ thực tiễn cũng cho thấy, hiện nhiều cơ quan đã xây dựng quy định cụ thể về chuẩn mực đạo đức đối với cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị; nghiên cứu, xây dựng các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân, đó là những giải pháp để việc học và làm theo Bác ngày càng hiệu quả.

Phát huy tính sáng tạo

Từ kết quả đã có, TP yêu cầu các cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW với nhiều nội dung cụ thể, trong đó đẩy mạnh việc làm theo, lựa chọn những vấn đề trọng tâm, những hạn chế, khuyết điểm để khắc phục; đồng thời, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tự giác, gương mẫu, tinh thần trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu các ngành, các cấp.

Để việc học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thời gian tới đi vào chiều sâu, thiết thực, theo các chuyên gia, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể đưa nội dung làm theo vào chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết của Đảng bộ cấp mình, gắn với nhiệm vụ chính trị. Nêu cao trách nhiệm nêu gương trong học tập và làm theo, nhất là người đứng đầu - đây là điều kiện tiên quyết để đạt hiệu quả thiết thực. Việc tự giác nêu gương sẽ khẳng định vai trò lãnh đạo, tính tiên phong, gương mẫu "trên trước, dưới sau", "đảng viên đi trước, làng nước theo sau"…

Đồng thời, việc học và làm theo Bác được gắn với các cuộc vận động, việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm ở từng địa phương, đơn vị tiếp tục sẽ tạo ra nhiều gương điển hình tiên tiến, lan tỏa những giá trị tốt đẹp. Việc vận dụng hiệu quả Chỉ thị 05 vào cuộc sống và công việc chuyên môn, chắc chắn trong thời gian tới, việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh tại Hà Nội sẽ tiếp tục đạt những kết quả tốt hơn.