Đây là chủ trương đúng nhưng hoạt động quảng bá chưa được chú trọng đúng mức nên chưa thu hút được NTD tham gia.
Thiếu quảng bá, khó thu hút người dân
Theo Sở Công Thương Hà Nội, có hơn 206 điểm bán hàng của nhiều doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ đăng ký tham gia chương trình, đồng thời cam kết thực hiện đúng 8 quyền lợi của NTD trong Tháng hành động.
Tại siêu thị điện máy HC trên đường Nguyễn Văn Cừ, hầu hết các mặt hàng đều được khuyến mại, giảm giá. Ông Nguyễn Hoàng Duy - Giám đốc Siêu thị điện máy HC cho biết: Chương trình giảm giá, khuyến mại của siêu thị tập trung chủ yếu vào những mặt hàng phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người dân có thu nhập trung bình nên từ đầu tháng 3 đến nay, hệ thống siêu thị HC đã phục vụ trên 115.000 lượt khách, doanh thu đạt 150 tỷ đồng.
Tuy nhiên, không phải siêu thị điện máy nào cũng thu hút được NTD đến mua sắm như HC, tại Siêu thị điện máy Nguyễn Kim trên đường Nguyễn Chí Thanh mặc dù cũng đưa ra nhiều chương trình giảm giá, nhưng lượng khách hàng đến mua sắm khá vắng vẻ. Các siêu thị điện máy lớn như Pico, Media Mart, Trần Anh… cũng trong tình trạng tương tự.
Tình trạng này là do hầu hết các doanh nghiệp tham gia chương trình đều kinh doanh điện máy là những mặt hàng không có nhu cầu cấp thiết trong đời sống nên sự quan tâm của NTD cũng chỉ ở một mức độ nhất định. Ngoài ra nhiều doanh nghiệp không tham gia chương trình nhưng cũng tổ chức khuyến mại, giảm giá.
Bên cạnh đó công tác truyền thông chưa thực sự được doanh nghiệp chú trọng đúng mức cũng là nguyên nhân khiến NTD ít quan tâm đến chương trình. Tại buổi kiểm tra tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC (42 Nghĩa Dũng) do Sở Công Thương tổ chức (12/3), mặc dù là đơn vị tham gia Tháng hành động, thế nhưng tại đây không hề có bất cứ "dấu hiệu" gì để NTD nhận biết về chương trình. Nhiều bệnh nhân có chung ý kiến: Không hề biết đây là đơn vị tham gia chương trình Bảo vệ quyền lợi NTD, bởi bệnh viện không tư vấn cho họ biết quyền lợi của mình khi sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh.Ông Nguyễn Hoàng Duy cũng cho rằng: Công tác phối hợp tuyên truyền giữa Sở Công Thương với báo chí chưa được chú trọng đúng mức, thời gian tới cần được tăng cường hơn nữa để tạo nên hiệu ứng lan tỏa của chương trình tới NTD.
Người dân chưa hiểu hết quyền lợi
Một trong những mục tiêu quan trọng của Tháng hành động là hỗ trợ NTD nhận biết về quyền lợi được hưởng khi mua sắm, sử dụng dịch vụ. Thế nhưng thực tế cho thấy nhiều NTD vẫn chưa hiểu đầy đủ về quyền lợi của mình.
Đại diện siêu thị Pico cho biết: Siêu thị đã cố gắng trong việc bảo vệ, nâng cao quyền lợi NTD như tăng thời hạn bảo hành sản phẩm, yêu cầu nhà sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm khi NTD "phàn nàn" về chất lượng sản phẩm. Không chỉ Pico đưa ra những chương trình bảo vệ quyền lợi NTD mà ở các điểm bán hàng, doanh nghiệp đều bố trí nhân viên tư vấn thông tin cho khách hàng về chất lượng, giá cả, xuất xứ... hàng hóa. Kết quả hoạt động tư vấn cho thấy nhiều NTD không biết sản phẩm nào sẽ được trả lại hay không được trả lại nếu gặp sự cố hỏng hóc, điều kiện, thời gian bảo hành sản phẩm... Bà Phạm Ngọc Diệp - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân cho biết: Hiện chỉ một bộ phận NTD khu vực nội thành có ý thức về quyền lợi, trách nhiệm của mình khi mua sắm hàng hóa. Còn NTD các huyện chưa ý thức được quyền lợi của mình sẽ được bảo vệ như thế nào khi mua hàng chính hãng.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam: Nhiều NTD đang thờ ơ với quyền lợi của mình, phần lớn NTD nếu chẳng may mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng đều im lặng coi như mua nhầm. Điều đó cho thấy, công tác truyền thông phải được đẩy mạnh hơn nữa.
Thực tế cho thấy các doanh nghiệp mặc dù đã rất cố gắng trong việc bảo vệ quyền lợi NTD nhưng mới chỉ dừng ở mức "cho" những cái gì mình đang có mà không "biếu" cái NTD đang cần. Để khắc phục bất cập này đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động hơn nữa trong việc bảo vệ NTD không chỉ bằng đảm bảo chất lượng sản phẩm, mà còn phải thông tin cho NTD biết quyền lợi mà họ được hưởng.
Nhân viên Siêu thị HC tư vấn cho người tiêu dùng. Ảnh: Hoài Nam
|