Trách nhiệm và chia sẻ

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XIV đang diễn ra thực sự rất sôi nổi. Không chỉ chất vấn, tranh luận với các Bộ trưởng mà các đại biểu còn tranh luận với nhau trước những vấn đề được đưa ra.

Qua đó, mong muốn cộng hưởng trách nhiệm trong việc chung tay giải quyết những vấn đề rất nóng đã từng được Quốc hội giám sát hay chất vấn và cả các các vấn đề phát sinh, những bức xúc của thực tiễn cuộc sống.
Mục đích của phiên chất vấn là làm rõ trách nhiệm của các Bộ trưởng, trưởng ngành trước những nội dung thuộc lĩnh vực mình phụ trách, thúc đẩy việc thực thi nhiệm vụ đặt ra. Bởi vậy, việc đại biểu truy trách nhiệm cá nhân Bộ trưởng cũng là điều đương nhiên và qua chất vấn Bộ trưởng cũng phải thấy được trách nhiệm của mình trước vấn đề đại biểu đặt ra. Điển hình như một nội dung đang được dư luận quan tâm là Dự thảo Quy chế công tác học sinh sinh viên đối với ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp hệ chính quy, trong đó có quy định sinh viên sư phạm nếu hoạt động mại dâm đến lần thứ 4 sẽ bị buộc thôi học. Dù dự thảo này sau khi đưa lên mạng lấy ý kiến đã nhanh chóng phải rút xuống, nhưng vẫn nóng từ xã hội vào nghị trường Quốc hội. Trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã giải trình những vấn đề liên quan, đồng thời thể hiện sự cầu thị khi khẳng định "khi có thông tin tôi chỉ đạo xử lý ngay”. Người đứng đầu ngành giáo dục cũng đã đưa ra quan điểm của cá nhân rằng quy định này là sai, không cần đưa vào thông tư vì đây là phạm vi xã hội…

Có thể nói rằng, không chỉ riêng ngành giáo dục mà bất kỳ ngành nghề nào, người đứng đầu phải chịu toàn bộ trách nhiệm với lĩnh vực thuộc mình phụ trách. Từ hàng loạt vấn đề được đưa ra phiên chất vấn cho thấy, khi lĩnh vực hay ngành đó xảy ra những sai sót, Bộ trưởng cần nhận trách nhiệm cá nhân không chỉ là đòi hỏi của đại biểu mà cũng là mong muốn của cử tri. Để sau đó, người đứng đầu và ngành sẽ có sự rút kinh nghiệm thực sự, tận tâm giải quyết những tồn tại, yếu kém, tránh những sai sót và tránh tạo ra “ấn tượng trái chiều” với lĩnh vực đó.

Nhưng cùng với việc truy trách nhiệm của Bộ trưởng, cử tri cũng mong muốn nhìn thấy sự chia sẻ của đại biểu trước những tồn tại, khó khăn đặt ra với người đứng đầu các ngành, lĩnh vực. Bởi có những tồn tại không thể một sớm, một chiều giải quyết dứt điểm được hoặc có khi nằm ngoài thẩm quyền của một người.

Nhìn từ phiên chất vấn đang diễn ra cũng có thể thấy, sự chia sẻ không chỉ đến từ người chủ tọa là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã không ít lần “đỡ lời” gỡ khó, tạo sự tự tin cho các Bộ trưởng, mà nhiều tình huống chính đại biểu cũng tranh luận quyết liệt và hiệu quả trên tinh thần cộng đồng trách nhiệm. Không chỉ hỏi, nhiều đại biểu đã sử dụng quyền tranh luận để “gỡ khó” và “hiến kế” khi Bộ trưởng, trưởng ngành vẫn loay hoay với những giải pháp hoặc lúng túng trong giải quyết vấn đề.

Do đó, để phiên chất vấn trước Quốc hội thực sự đạt đến mục đích như cử tri mong muốn cũng đòi hỏi mỗi đại biểu, trên cơ sở kiến thức, nhận thức và quan sát phải nghiên cứu kỹ, đánh giá thấu đáo những việc mà các cơ quan này chưa làm được, trách nhiệm thuộc về cá nhân người đứng đầu chưa quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc thực hiện hay thuộc về yếu tố khách quan, về cơ chế chính sách, để có thể đưa ra những nội dung chất vấn “đắt giá” và đúng bản chất nhất.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần