Với kinh nghiệm nhiều năm sản xuất nấm ăn và mộc nhĩ theo phương thức truyền thống, đầu năm 2019, anh Lê Tiến Thành được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội lựa chọn, hỗ trợ triển khai thực hiện mô hình trình diễn sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu theo hướng công nghiệp.
Theo đó, gia đình anh Thành được Trung tâm hỗ trợ 75 triệu đồng để xây dựng cơ sở sản xuất. Số tiền không lớn, nhưng cũng giúp gia đình anh Lê Tiến Thành giảm bớt phần nào tổng kinh phí đầu tư.
Trong năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ 3 mô hình trình diễn nấm ăn, nấm dược liệu theo hướng công nghiệp tại các huyện: Thanh Oai, Quốc Oai, Đan Phượng. Đến nay, cả 3 mô hình đều cho hiệu quả tương đối tốt. |
Tuy nhiên, động lực lớn hơn cho anh Thành và gia đình là sự hỗ trợ từ một DN đã có kinh nghiệm trồng nấm ăn, nấm dược liệu tại huyện Mỹ Đức. DN này đã hỗ trợ anh Lê Tiến Thành gần như toàn bộ kỹ thuật sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu theo công nghệ Nhật Bản.
Với sự tư vấn, hỗ trợ của “hai nhà”, trại nấm của gia đình anh Thành vận hành an toàn và bước đầu cho hiệu quả. Từ khi bắt tay vào triển khai mô hình đến nay, anh Thành đã thu hoạch được 9 lứa, chủ yếu là nấm kim châm, nấm sò. Doanh thu đạt khoảng 300 triệu đồng. Điều đáng nói, sản phẩm nấm được sản xuất theo công nghệ Nhật Bản nên có chất lượng tốt, việc tiêu thụ thuận lợi.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phương Trung Lê Văn Hùng cho biết, mô hình trồng nấm ăn, nấm dược liệu của gia đình anh Thành rất hiệu quả. Tuy nhiên, do áp dụng công nghệ Nhật Bản nên suất đầu tư như hiện nay là quá cao đối với nhiều hộ nông dân. “Thực tế, trên địa bàn xã còn có 2 hộ trồng nấm khác, tuy nhiên, chỉ dừng ở quy mô sản xuất nhỏ và rất thủ công. Do đó, để có thể nhân rộng, cần có thêm chính sách hỗ trợ từ Nhà nước…” – ông Hùng cho hay.
Đồng tình với quan điểm trên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho rằng, hiện nay, theo Nghị định số 116/2018/NĐ-CP, mức cho vay không có tài sản bảo đảm đã tăng đến 100 triệu đồng. Tuy nhiên, con số này vẫn còn nhỏ nếu so với tổng mức đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao. Hơn nữa, muốn vay được, tổ chức, cá nhân phải bảo đảm nhiều điều kiện. Chính vì vậy, bài toán vốn vẫn sẽ là câu chuyện nan giải cho việc nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao như trại nấm của gia đình anh Thành.