Từ ngày 1/12/2024 - 1/1/2025, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ diễn ra các hoạt động tháng 12 với chủ đề “Chợ phiên vùng cao - Chào năm mới 2025” nhằm giới thiệu những nét văn hóa đầu Xuân với các nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán truyền thống, đặc trưng của các dân tộc...
Chuỗi hoạt động đón chào năm mới 2025 bao gồm nhiều sự kiện như: tái hiện Tết Nào Pê Chầu của dân tộc Mông, tỉnh Điện Biên; chương trình dân ca dân vũ “Bản Mông vui đón Tết”; chương trình dân ca dân vũ “Niềm vui đón năm mới”...
Hoạt cảnh không gian chợ phiên là sự kết hợp giữa không khí vui tươi xuống chợ, cùng nhau múa khèn, giã bánh dày với chàng trai, cô gái dân tộc Mông; các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian (đẩy gậy, kéo co, ném còn…), ẩm thực dân tộc, sản vật địa phương, nghề thủ công truyền thống với sắc màu của các dân tộc Mông, Dao, Thái...
Không gian chợ với hơn 50 gian hàng bao gồm: 33 gian hàng giới thiệu sản vật địa phương tại khu vực chợ vùng cao; 10 gian nhà lá giới thiệu ẩm thực truyền thống, 9 gian hàng nước để phục vụ nhu cầu của du khách tham quan.
Chương trình giới thiệu “Món ngon vùng miền - Chào năm mới 2025” sẽ giới thiệu “Mâm cơm đoàn kết” đón chào năm mới 2025, mỗi làng có 1 đồng bào giới thiệu món ăn đặc trưng của dân tộc trong ngày lễ, Tết. 16 nhóm đồng bào sẽ chuẩn bị 16 món ăn chứa đựng ở đó là nét đẹp văn hóa ẩm thực truyền thống và những mong ước xua tan đi những đi xui xẻo trong năm cũ, cầu mong cho một năm mới đủ đầy của đồng bào các dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng.
Bên cạnh đó, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam dịp này còn có một số trò chơi như đánh chắt chơi chuyền, chơi ô ăn quan, cờ ca rô, chơi rối tre, đi cà kheo, nhảy sạp, chơi đu, bập bênh, không gian trải nghiệm tô tượng, tô tranh cát, chuồn chuồn tre, tranh gỗ, cá gỗ, tô vẽ tranh, trải nghiệm trang phục dân tộc...
Hoạt động với sự tham gia của hơn 100 đồng bào của 16 dân tộc (Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer) đến từ 11 địa phương có đồng bào hoạt động hàng ngày (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Sóc Trăng).