Trải nghiệm nhân văn với du lịch thiện nguyện

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, hình thức du lịch thiện nguyện ở Việt Nam ngày càng thu hút đông du khách.

Bởi không chỉ góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp không khói, mà sau mỗi chuyến du lịch thiện nguyện, các “thượng đế” còn tìm thấy những trải nghiệm nhân văn.

Tour không lãi

Mong muốn trở thành “nhịp cầu” nối những tấm lòng chia sẻ khó khăn với các số phận không may mắn, nhiều hãng lữ hành đã xây dựng chùm tour kết hợp hoạt động từ thiện đến các tỉnh vùng cao, hải đảo. Có thể kể Hanoi Redtours, Viettravel, Vietran Tour thiết kế tour thiện nguyện đến Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang... từ nhiều năm nay. Đặc biệt, Công ty Du lịch Viet Mark còn gây bất ngờ với tour nhặt rác ở Lý Sơn (Quảng Ngãi). Đây cũng là những tour thu hút đông đảo du khách, bởi như phân tích của Phó Giám đốc HanoiRedtours Nguyễn Công Hoan: Không chỉ trực tiếp đi tặng quà, thăm hỏi đời sống bà con các dân tộc miền núi, vùng biển khó khăn, khách du lịch vẫn có thể tận hưởng những ngày nghỉ thư giãn, được đắm mình trong cảnh đẹp miền sơn cước, hải đảo. Đặc biệt, mục đích cao nhất của chương trình là làm từ thiện, nên điểm khác biệt cơ bản của tour này so với các tour thông thường là hoàn toàn không tính lãi. Chính vì vậy, mức phí tour mà du khách phải chi trả sẽ thấp hơn nhiều so với phí tour thông thường.
Du khách tham quan tìm hiểu tại bản Cát Cát, Sapa.
Du khách tham quan tìm hiểu tại bản Cát Cát, Sapa.
Bà Đoàn Thị Thanh Trà - Trưởng phòng tiếp thị Saigontourist cho biết, tùy theo yêu cầu của từng nhóm khách trong việc tiếp cận những loại hình từ thiện và những nhóm đối tượng mà các đơn vị lữ hành sẽ tiến hành thiết kế sao cho phù hợp. Quá trình triển khai một tour du lịch kết hợp với từ thiện tốn không ít thời gian, điển hình là việc tìm hiểu, xác minh đối tượng cần được hỗ trợ tại các tỉnh và xin giấy phép tại địa phương. Sau đó nắm danh sách các tổ chức, cá nhân cần được hỗ trợ, chủ động liên hệ xem họ cần những gì…, từ đây lên kế hoạch, danh sách những thứ họ cần và đề xuất với du khách. Có trường hợp đơn vị lữ hành phải đi nhiều lần mới xin được giấy phép cho tổ chức chương trình của địa phương, nhiều nơi xa xôi, ô tô không thể vào được, cả đoàn phải đi bộ, mang quà đến địa điểm cần hỗ trợ.

Triển vọng

Không chỉ thu hút nhóm đối tượng có mức thu nhập ổn định, hiện tại, mô hình này còn thu hút học sinh, sinh viên quốc tế từ Australia, Mỹ, Nhật Bản, Singapore… với số lượng tham dự mỗi đoàn từ 20 - 300 người. Theo số liệu thống kê tại các đơn vị, trung bình lượng khách tham gia các tour này năm sau cao hơn năm trước từ 30% trở lên. Đó là chưa kể một bộ phận du khách trong nước tự tổ chức các chương trình du lịch kết hợp với các hoạt động thiện nguyện mà không thông qua các đơn vị lữ hành. Đặc biệt là phong trào phượt tình nguyện nở rộ vài năm gần đây. Nhận định về sự phát triển của loại hình du lịch này, giới làm nghề cho rằng, ở nhiều nước trên thế giới, hàng năm, học sinh, sinh viên ở các trường học đều có nhiều chương trình ngoại khóa với những hoạt động hướng về cộng đồng. Đây là cơ hội tốt để mở ra hướng khai thác mới với nguồn khách vô cùng phong phú. Nếu công tác quảng bá, tiếp thị được đẩy mạnh, tổ chức tour tốt sẽ tạo được uy tín với đối tác.

Tuy nhiên, điểm đến của loại hình du lịch này thường ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại, ăn ở khó khăn, thiếu thốn, nên chưa chắc đáp ứng được nhu cầu thư giãn, nghỉ ngơi của các “thượng đế”. Nhiều khách có điều kiện kinh tế muốn tham gia tour nhưng lại ngại khó, ngại khổ. Việc tìm hiểu đối tượng cần được hỗ trợ và xin giấy phép các ban, ngành địa phương mất khá nhiều thời gian và kinh phí đi lại… nên nhiều hãng lữ hành chưa mặn mà với tour này. Hy vọng, trong tương lai, du lịch thiện nguyện sẽ phát triển hơn nữa để góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần