Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trái phiếu bất động sản: Sân chơi nhiều rủi ro?

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến đầu tháng 9/2019, các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đã phát hành ra thị trường trên 36.800 tỷ đồng trong tổng số 47.800 tỷ đồng trái phiếu được chào bán, đạt tỷ lệ 77%.

Mặc dù lượng phát hành được đánh giá tương đối cao, nhưng các chuyên gia cho rằng nếu không quản lý tốt sẽ mang lại rủi ro cho cả doanh nghiệp và ngân hàng.
Trái phiếu BĐS là kênh tài chính giúp doanh có thêm nguồn vốn đầu tư. (Ảnh minh họa).
Kênh tài chính mới
Thống kê của Công ty chứng khoán SSI, trong 8 tháng đầu năm 2019 có 44 doanh nghiệp BĐS chào bán trái phiếu ra thị trường, với tổng số trên 36.900 nghìn tỷ đồng tiền trái phiếu đã được phát hành, đạt tỷ lệ 77% tổng số trái phiếu được đưa ra thị trường.
Nhóm ngành xây dựng, hạ tầng đứng thứ 2 về lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành từ đầu năm. Đây là nhóm ngành có mức lãi suất coupon cao nhất, phổ biến trên 10%/năm, có doanh nghiệp phát hành với lãi suất lên tới gần 15%, có thời hạn từ 1 năm đến 10 năm, phổ biến là kỳ hạn 2 năm.
Theo nhận định của các chuyên gia, trái phiếu doanh nghiệp BĐS đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư do lãi suất cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm cùng kỳ hạn, nhất là đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có uy tín thương hiệu và có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi.
Tổng Thư ký Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết, trước tình trạng ngân hàng siết chặt nguồn tín dụng cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ đã khiến cho nguồn tài chính hoạt động của doanh nghiệp bị giảm sút, quá trình phát triển dự án của doanh nghiệp cũng bị đình trệ.
“Trước những khó khăn đó, các doanh nghiệp đã tìm đến những kênh tài chính mới, trong đó phát hành trái phiếu là một trong những kênh được đánh giá là đang mang lại nguồn tài chính tương đối tốt giúp cho các doanh nghiệp tiếp tục phát triển dự án của mình” - ông Đính nói.
Cẩn trọng rủi ro
Cũng từ số liệu thống kê của Công ty chứng khoán SSI, trong tổng số trái phiếu mà các doanh nghiệp BĐS đã phát hành thì có tới 20% được thu mua bởi hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo với những rủi ro có thể xảy ra cho cả doanh nghiệp và ngân hàng trong quá trình phát hành và thu mua trái phiếu BĐS.
Đối với hệ thống ngân hàng, việc các doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu với mức lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng, ở thời điểm hiện tại với số lượng còn ít sẽ không có nhiều ảnh hưởng đến việc huy động vốn của ngân hàng. Nhưng trong tương lai, khi các doanh nghiệp lớn đồng loạt phát hành trái phiếu thì cũng sẽ ảnh hưởng đến các ngân hàng.
Còn đối với doanh nghiệp, hiện nay vấn đề về pháp lý cũng có thể mang đến những rủi ro cho doanh nghiệp, ngay cả khi kênh tài chính từ phát hành trái phiếu được đẩy mạnh, có nguồn tiền để phát triển dự án, nhưng lại không triển khai theo kế hoạch thì cũng phát sinh rủi ro.
Đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS có khoảng trên 10.000 doanh nghiệp, nhưng số lượng doanh nghiệp tham gia niêm yết trên sàn chứng khoán chiếm số lượng rất ít, tính đến hết tháng 8/2019 mới có 65 trong tổng số 10.000 doanh nghiệp thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Đính, việc thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán và phát hành trái phiếu, không chỉ giúp cho doanh nghiệp có thêm nguồn tài chính để phát triển dự án mà còn giúp minh bạch thị trường BĐS, giúp cho thị trường phát triển một cách bền vững.
“Việc phát hành trái phiếu BĐS sẽ giúp phân loại các nhà đầu tư BĐS, lúc đó doanh nghiệp nào đủ mạnh, có tiềm lực thực sự về tài chính thì sẽ tồn tại, còn những doanh nghiệp nào không có khả năng tài chính sẽ bị đào thải. Thị trường sẽ trở nên bền vững hơn và việc canh tranh sẽ diễn ra lành mạnh hơn” - ông Đính cho biết thêm.