Lo trái phiếu “nhiều không”
Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, trong 3 tuần đầu tháng 3/2022, thị trường TPDN chỉ có 1 đợt phát hành ra công chúng trị giá 1.000 tỷ đồng của Công ty CP Chứng khoán VNDirect và 2 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ của Ngân hàng TMCP Bản Việt với tổng giá trị 250 tỷ đồng. Bất động sản và ngân hàng vẫn là 2 ngành phát hành nhiều trái phiếu nhất.
Có một điều đáng chú ý trong các báo cáo gần đây, đó là hệ thống ngân hàng đã giảm dần vai trò của mình trên thị trường trái phiếu. Điều đó thể hiện qua việc tỷ trọng trong cơ cấu phát hành của các nhà băng không còn cao như trước. Đồng thời, tỷ trọng nắm giữ trái phiếu DN của các ngân hàng cũng đã thấp hơn.
Nhiều chuyên gia đánh giá, điều này là phù hợp với các định hướng trong việc ngân hàng thương mại sẽ tập trung vào kênh tín dụng và trái phiếu DN sẽ là kênh huy động vốn trung và dài hạn của DN.
Trước đó, trong tháng 2, theo thống kê của VBMA dựa trên công bố từ trang thông tin của SSC và HNX, có 1 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng của Công ty CP CMC với giá trị 500 tỷ đồng và 4 đợt phát hành riêng lẻ của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (300 tỷ đồng), Công ty CP Xây Lắp Sunshine E&C (800 tỷ đồng - trái phiếu kỳ hạn 2 năm), Công ty CP Dịch Vụ Ô tô Hàng Xanh (180 tỷ đồng) và Công ty CP Kinh doanh F88 (20 tỷ đồng).
Đáng lo nhất là loại trái phiếu “nhiều không”: Không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và không đánh giá tín nhiệm đang được nhiều DN sử dụng để huy động vốn.
Theo VBMA, năm 2022, một loạt các DN đang có kế hoạch phát hành trái phiếu, trong đó đáng chú ý là 1.000 tỷ đồng trái phiếu “nhiều không”. Cụ thể, Công ty CP Tập Đoàn Đầu Tư I.P.A đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ tối đa 1.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không đảm bảo bằng tài sản trong năm 2022, trái phiếu có kỳ hạn 3 năm với lãi suất cố định là 9.5%/năm nhằm thực hiện các dự án đầu tư và các hoạt động kinh doanh.
Công ty CP Chứng Khoán Thành Công đã phê duyệt phương án phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo với kỳ hạn 1 năm, lãi suất 10%/năm nhằm tài trợ cho các giao dịch cho vay ký quỹ, đầu tư. Hội đồng quản trị Công ty CP DRH Holdings đã phê duyệt phương án phát hành 400 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có đảm bảo bằng tài sản trong quý I/2022.
Ngoài ra cũng phải kể đến những kế hoạch phát hành trái phiếu khủng của các DN bất động sản chưa niêm yết trên sàn như Công ty Cung Điện Mùa đông - công ty một thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, vừa phát hành thành công lô trái phiếu trị giá 3.230 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu có tài sản đảm bảo bằng quyền sử dụng đất dự án huy động vốn để triển khai...
Yêu cầu có xếp hạng tín nhiệm DN với trái phiếu “tay không”
Dự báo về thị trường TPDN năm 2022, báo cáo của SSI Research đánh giá, thị trường trái phiếu vẫn có khả năng tăng trưởng tốt do cung cầu duy trì ở mức cao.
Theo đó, mặt bằng lãi suất tiền gửi có thể tăng nhẹ 20 - 25bps nên chênh lệch lãi suất kênh TPDN so với kênh tiền gửi vẫn duy trì ở mức hấp dẫn, nhu cầu đầu tư TPDN vẫn cao. Mặt khác, sẽ có khoảng 19% lượng trái phiếu sẽ được đáo hạn trong năm nay và các DN sẽ có nhu cầu phát hành để đảm bảo quay vòng vốn. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh khôi phục sau đại dịch cũng có thể là một chất xúc tác. Nguồn cung TPDN được dự kiến vẫn rất dồi dào.
Việc mặt bằng lãi suất tiền gửi tăng sẽ khiến cho lợi suất TPDN cũng sẽ tăng theo khi mà có hơn 70% trái phiếu phát hành có lãi suất thả nổi. Đồng thời, xu hướng tăng lãi suất điều hành của các ngân hàng trung ương lớn và áp lực lạm phát có thể tác động tâm lý nhà đầu tư, tăng kỳ vọng lãi suất lên các đợt phát hành trái phiếu mới. Vì thế "lợi suất TPDN có thể đã tạo đáy trong năm 2021 và nhích tăng trong năm 2022".
Ngoài ra, năm 2022, những thay đổi về quy định pháp lý có thể tác động mạnh đến thị trường. Theo đó, dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP đối với phát hành trái phiếu riêng lẻ bổ sung yêu cầu, DN không được phát hành trái phiếu để góp vốn dưới mọi hình thức, mua cổ phần, mua trái phiếu của DN khác, hoặc cho DN khác vay vốn. Trường hợp phát hiện DN phát hành sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu không đúng mục đích tại phương án phát hành trái phiếu hoặc cam kết với nhà đầu tư, thì nhà đầu tư yêu cầu DN phát hành trái phiếu mua lại trái phiếu trước hạn.
Yêu cầu có xếp hạng tín nhiệm đối với DN phát hành trái phiếu và trái phiếu phát hành trong trường hợp phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo, không có bảo lãnh thanh toán, DN phát hành có kết quả kinh doanh của năm liền trước năm phát hành lỗ hoặc có lỗ lũy kế tính đến năm phát hành.
“Chúng tôi nhận thấy các TPDN có mục đích sử dụng là góp vốn hay không có tải sản đảm bảo/bảo lãnh thanh toán không phải là ít” - các chuyên gia SSI cho hay.
Các quy định trên nếu có hiệu lực sẽ giảm bớt đáng kể cơ hội huy động vốn trái phiếu của DN. Ngoài ra, việc siết cứng quy định về mục đích phát hành với dòng vốn trái phiếu (thường dài 3 - 5 năm) cũng có thể khiến DN phải cân nhắc lại về kênh gọi vốn này.
Các quy định mới cũng khiến vai trò của ngân hàng tiếp tục thu hẹp. Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán TPDN đã chính thức có hiệu lực từ 15/1/2022. Trong đó, một số quy định siết chặt hơn, như tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu của tổ chức phát hành không có phát sinh nợ xấu trong 12 tháng gần nhất (tại tất cả TCTD); không được mua lại TPDN chưa niêm yết đã bán và/hoặc trái phiếu phát hành cùng lô/đợt với trái phiếu đã bán trong vòng 12 tháng; không được bán TPDN cho các công ty con.
Theo định hướng, các ngân hàng thương mại sẽ tập trung vào kênh tín dụng ngắn hạn, và TPDN sẽ là kênh huy động vốn vay trung và dài hạn của DN. Việc các ngân hàng thương mại cấp tín dụng cho DN thông qua đầu tư TPDN cũng sẽ hạn chế hơn.
Theo Quyết định số 368/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Tài chính đến năm 2030, mục tiêu đến năm 2030, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 58% GDP, trong đó, dư nợ thị trường TPDN đạt tối thiểu 25% GDP.
Thị trường có khoảng 1,2 triệu tỷ TPDN đang lưu hành hiện nay sẽ có điểm rơi đáo hạn vào 2 năm tới, với tỷ lệ 51,7%. Nếu “quy chiếu” lại khối lượng trái phiếu các DN đã phát hành trong khoảng 3 năm trái phiếu bùng nổ vừa qua, đa phần vẫn là trái phiếu riêng lẻ, với nhóm bất động sản liên tiếp dẫn đầu và không ít trong đó là khối dưới sàn niêm yết, chất lượng nhà phát hành cũng như chất lượng sản phẩm trái phiếu có tỷ lệ rủi ro cao, thì khả năng đáp ứng nghĩa vụ của nhà phát hành với trái chủ đang có nhiều yếu tố đáng lo ngại"- Chủ tịch HĐQT Công ty CP FiinGroup - Nguyễn Quang Thuân
Trước đó, Bộ Tài chính từng đưa ra cảnh báo, với các TPDN có tài sản đảm bảo, thực tế, chất lượng tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của DN. Giá trị của các tài sản này thường không định giá được chính xác hoặc có biến động mạnh theo diễn biến thị trường.
Theo đó, trường hợp thị trường bất động sản hoặc thị trường chứng khoán có biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo của trái phiếu có thể dùng để bảo đảm cho các khoản vay, khoản phát hành trái phiếu khác của DN, do đó nhà đầu tư cần đánh giá kỹ các rủi ro này.