Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Trăm dâu đổ đầu người dân”

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mấy ngày qua, việc khan hiếm nguồn cung xăng RON95 đã ảnh hưởng tới không chỉ các DN sản xuất mà ngay cả người tiêu dùng trực tiếp cũng chịu tác động không nhỏ.

Thông tin khan hiếm nguồn hàng có thể bắt nguồn từ sự chênh lệch giữa giá bán ra với giá cơ sở của các mặt hàng xăng dầu phổ biến trên thị trường hiện rất lớn, có mặt hàng chênh nhau gần 3.000 đồng/lít do việc “kìm giá” bán lẻ trong những kỳ điều hành vừa qua bằng cách liên tục xả Quỹ bình ổn xăng dầu.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Mới nhất, trong kỳ điều hành ngày 18/3, Liên Bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục dùng công cụ Quỹ bình ổn để kiềm giữ giá bán lẻ xăng dầu trong nước, nhất là trong bối cảnh giá điện bắt đầu tăng từ ngày 20/3. Tuy vậy, mức xả quỹ mạnh như một cú bồi, khiến số dư Quỹ giảm trầm trọng. Các DN than vãn phải lấy vốn để bù cho khoản âm Quỹ bình ổn hoặc vay ngân hàng để thực hiện nghĩa vụ cho Nhà nước. Thêm nữa, hiện chiết khấu cho bán lẻ không bù được chi phí của DN.
Tuy nhiên, hiện tượng một số DN phân phối xăng dầu than vãn khan hiếm nguồn cung, thua lỗ không phải là lần đầu. Cần phải làm rõ đây có phải là chiêu thức nhằm gây sức ép đòi tăng Quỹ bình ổn hoặc phải tăng giá bán hay không?
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện xăng dầu đang phải “cõng” nhiều loại thuế, phí. Ngay cả trong cách tăng, giảm cũng có vấn đề không theo giá thế giới. Cần phải công khai minh bạch lỗ ở đâu, khoản nào… cho rõ ràng, không thể “trăm dâu đổ đầu người dân”.
Hiện những bất cập trong kinh doanh xăng dầu vẫn đang tồn tại, giới chuyên gia cho rằng, thời gian qua các quy định về quản lý xăng dầu đã thể hiện một số hạn chế về tính thị trường, tính tự chủ về giá của DN chưa cao... gây bất lợi cho người tiêu dùng. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã nhiều lần yêu cầu Bộ Công Thương phải chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Giới chuyên gia cho rằng phải đẩy mạnh thị trường hóa, tăng thêm tính cạnh tranh cho xăng dầu. Đồng thời đặt ra việc xem xét lại tính cần thiết của Quỹ bình ổn xăng dầu có cần duy trì, tồn tại nữa hay không (vì Quỹ bình ổn thực chất cũng là tiền của dân góp vào và do DN xăng dầu quản lý)? Cần phải công khai minh bạch lỗ ở đâu, khoản nào… cho rõ ràng vì hiện nay mới chỉ công bố giá cơ sở xăng E5, dầu, không công bố giá RON 95.