Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Trám” lỗ hổng pháp lý

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, thị trường bất động sản (BĐS) rộ lên nhiều vụ tranh chấp giữa chủ đầu tư và người góp vốn "mua nhà trên giấy". Với cư dân sống trong chung cư, thậm chí là tranh chấp giữa các bên liên kết, liên doanh trong thực hiện dự án…

Để giải quyết các tranh chấp này, các chuyên gia cho rằng cần phải có sự "vào cuộc" mạnh mẽ của cơ quan Nhà nước.

Gia tăng tranh chấp

Tòa nhà Hà Thành (102 Thái Thịnh, Hà Nội) của Công ty XNK và Đầu tư Hà Nội - Trung tâm thương mại và XNK tổng hợp Hà Nội (Genexim) vướng tranh chấp trong sở hữu diện tích chung - riêng. Chung cư cao cấp The Mannor và Keangnam cùng bị "tố" vì trong cách tính phí dịch vụ, làm sổ đỏ. Nặng nề hơn, một số dự án còn chiếm dụng vốn của khách hàng như: Dự án chung cư B5 Cầu Diễn của Công ty TNHH MTV XNK & Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội, Dự án Tricon Tower của Công ty Minh Việt, Chung cư 409 Lĩnh Nam của Công ty TNHH kinh doanh nhà Vĩnh Hưng, Dự án Usilk City của Công ty Sông Đà Thăng Long… Ngoài ra, phải kể đến những tranh chấp rất phổ biến như: Chưa xong nhà đã gửi giấy báo nhận nhà (Khu đô thị Dương Nội), ép khách hàng nhận nhà sai thiết kế (Dự án Splendora), thiết kế bàn giao nhà không giống hợp đồng (Dự án The Pride)…
Chậm triển khai, cỏ mọc um tùm phía trong dự án B5 Cầu Diễn.            Ảnh: Nguyễn Khang
Chậm triển khai, cỏ mọc um tùm phía trong dự án B5 Cầu Diễn. Ảnh: Nguyễn Khang
Chia sẻ tại Hội thảo "Các giải pháp quản lý rủi ro, giải quyết xung đột trong thị trường bất động sản" do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 19/11, GS.TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, thời gian qua thị trường BĐS phát triển "méo mó" có nguyên nhân từ hệ thống pháp lý cho thị trường hoạt động chưa hoàn thiện. Việt Nam chưa có Luật Chung cư, pháp luật lại thiếu các quy định về quản lý giao dịch BĐS hình thành trong tương lai, quản lý rủi ro chưa đúng cách, quy định chưa rõ ràng về không gian, ban quản lý chung cư, dịch vụ. Hợp đồng, thỏa thuận giữa chủ đầu tư dự án và khách hàng mang tính áp đặt do chủ đầu tư đơn phương đưa ra, thiếu các quy định bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, thiếu sự giám sát của cơ quan chức năng. Các cơ quan quản lý Nhà nước ở cả T.Ư và địa phương còn thiếu chuyên nghiệp. Gần đây, các cơ quan thông tin báo chí có vào cuộc để giải quyết một số tranh chấp nhưng chưa thực sự "trúng" và hiệu quả.

Giải quyết thế nào?
Trong tương lai, thị trường bất động sản có thể xuất hiện thêm nhiều dạng tranh chấp mới: Tranh chấp giữa chủ đầu tư dự án và các ngân hàng thương mại trong giải quyết nợ xấu gắn với phương thức đầu tư hoặc tài sản thế chấp; tranh chấp giữa các bên liên quan trong giải quyết kho BĐS tồn đọng có liên quan tới các bên đã góp vốn và phương thức giải quyết. 

GS.TSKH Đặng Hùng Võ
Theo các chuyên gia và luật sư, giải quyết các tranh chấp này trước tiên là đôi bên cần phải bình tĩnh ngồi lại với nhau để thương lượng và cùng chia sẻ khó khăn thông qua các tổ chức xã hội, hiệp hội nghề nghiệp với sự giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước. Khi không thể hòa giải thì có thể nhờ đến trọng tài hoặc tòa án.

Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là phải sớm "trám" đầy "lỗ hổng" pháp lý để thị trường BĐS phát triển ổn định. GS.TSKH Đặng Hùng Võ đưa ra một số đề xuất như: Hoàn thiện, bổ sung các quy định của pháp luật về điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ thể tham gia thị trường BĐS trên cơ sở tăng cường cơ chế bảo vệ quyền tài sản của người tiêu dùng, quản lý tốt các rủi ro, giá trị thật ghi trên hợp đồng; minh bạch thông tin, tạo các kênh thông tin để người mua nhà có thể tiếp cận tìm hiểu về quy hoạch, căn cứ pháp lý của các dự án BĐS; tăng cường các chế tài xử phạt vi phạm, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát. Đặc biệt, thị trường rất cần sự "vào cuộc" quyết liệt hơn của các cơ quan quản lý Nhà nước, thông tin đại chúng và hiệp hội nghề nghiệp.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam lo ngại: "Xung đột sẽ ngày càng gay gắt nếu không có sự can thiệp kịp thời của cơ quan quản lý Nhà nước và sự thực thi nghiêm túc của các cơ quan liên quan". Còn theo Luật sư Phan Vũ Anh - nguyên Giám đốc Ban Đối ngoại pháp chế, Tổng Công ty Vinaconex, sự tham gia của các cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình tiền tranh chấp có thể hạn chế được hàng trăm vụ tranh chấp hình thành trong tương lai.