Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trầm Lộng phát triển kinh tế vùng rốn nước

Hữu Trường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, hoàn chỉnh hạ tầng cơ sở, cùng với đó quan tâm đầu tư phát triển kinh tế vùng rốn nước đã giúp Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa có những bước phát triển vượt bậc.

 Cán bộ xã Trầm Lộng kiểm tra trang trại chuyên canh thí điểm mô hình

Bộ mặt nông thôn xã Trầm Lộng hôm nay thay đổi đổi rất nhiều so với trước đây. Những khu trang trại đa canh của hàng trăm gia đình và cánh đồng mẫu lớn được quy hoạch từ nhiều năm trước, cùng với đó là đường bê tông chạy qua xóm làng thẳng tắp.
Không chịu với cái nghèo, cái đói ở vùng rốn nước, nhiều hộ gia đình ở đây đã vươn lên làm giàu. Đơn cử như câu chuyện của anh Ngô Văn Hải, chủ một trang trại tại thôn An Thái, sau một chuyến đi học tập kinh nghiệm hồi cuối năm 2016, gia đình anh đến nay đã giúp địa 6 hộ khác trong xã mạnh dạn chuyển hướng đầu tư xây dựng, mua sắm hệ thống máy dàn sục khí làm mô hình “sông trong ao” chuyên canh nuôi cá. Mỗi mô hình “sông trong ao” phải đầu tư hơn 100 triệu đồng.
Tuy mô hình vẫn đang trong giai đoạn thí điểm nhưng đã thể hiện rõ những ưu điểm, như: Kiểm soát được dịch bệnh, cá lớn nhanh, giảm chi phí, cho năng suất cao... Còn với ông Nguyễn Văn Duyên, thôn An Cư lại khác, tuy vẫn duy trì mô hình nuôi cá thủ công truyền thống trên diện tích 2ha ao như hàng trăm hộ dân khác trong xã nhưng, nhờ có sự cần cù, chịu khó, đàn cá đã cho ông thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Nhờ sự đồng lòng, chung hướng, đến nay đã giúp toàn xã có 429ha nuôi trồng thủy sản, trong đó 299ha chuyên canh cá, 130ha đa canh lúa, cá, vịt, sản lượng đạt 1.820 tấn/năm. Phó Chủ tịch UBND xã Trầm Lộng Lê Quang Cảnh chia sẻ, những năm 2000, trước thực trạng ruộng đất mạnh mún, nhỏ lẻ, giá trị canh tác đạt thấp, Đảng ủy, UBND xã xác định dồn điền đổi thửa là cơ sở để khai thác tiềm năng đất đai.
Chỉ trong thời gian ngắn, dưới sự quyết tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, năm 2005, bước đầu hơn 100ha đất vùng trũng cấy lúa kém hiệu quả đã được quy hoạch chuyển sang nuôi trồng thủy sản tạo ra những cánh đồng mẫu lớn. Điều đáng mừng, sau chuyển đổi đến nay giá trị sản xuất đã đạt từ 300 - 600 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân đầu người đạt 41 triệu đồng/người/năm.
“Những ngày đầu cán bộ địa phương đã tiên phong đầu tư đào ao, thả cá, nuôi vịt. Ban đầu diện tích ít, số lượng vật nuôi cũng vậy nhưng, đến nay đi đâu trong xã cũng thấy mô hình chăn nuôi chuyên canh, đa canh thu nhập cao, tạo việc làm cho lao động” - ông Cảnh bộc bạch.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn khẳng định: “Từ những mô hình nuôi trồng thủy sản và đa canh cho hiệu quả kinh tế cao tập trung chủ yếu ở Trầm Lộng, Phương Tú, Đồng Tân… đã tạo thành phong trào làm kinh tế trang trại chuyên canh và đa canh của Ứng Hòa được nhân rộng và lan tỏa, trở thành hình mẫu để nhiều địa phương khác trong TP và tỉnh lân cận tham quan, học tập kinh nghiệm. Và thực tế Trầm Lộng đã và đang là một địa chỉ cho sự năng động, sáng tạo trong làm kinh tế tạo nguồn thu nhập cao, ổn định cuộc sống”.